- Với ba phương án kỳ thi quốc gia năm 2015 do Bộ GD-ĐT đưa ra, nhiều
chuyên gia cho rằng bộ đang làm quy trình ngược và không đồng tình với
cả ba.
Sáng 23-8, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, Hội Tâm lý
giáo dục Hà Nội và Trường ĐH Hòa Bình tổ chức hội thảo góp ý phương án
thi tốt nghiệp THPT với sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục, đại
diện Bộ GD-ĐT.
“Tôi không hiểu cách làm của Bộ GD-ĐT khi đưa ra ba
phương án đổi mới thi. Không hiểu bởi vì nội dung chương trình, hệ thống
giáo dục chưa thay đổi và còn đang phải bàn nhưng đột nhiên bộ lại đưa
ra các phương án để đổi mới. Việc đổi mới này dựa trên nghiên cứu như
thế nào? Đổi mới thế nhằm mục đích gì? Cái này Bộ GD-ĐT chưa làm rõ” -
GS-TSKH Phạm Minh Hạc mở đầu hội thảo bằng phát biểu thẳng thắn.
Bộ đã làm ngược
Tôi đứng về phía học trò
Ông Hoàng Liên Hải - nguyên trưởng phòng giáo dục trung
học Sở GD-ĐT Hà Nội - chia sẻ: “Tôi không tán thành cả ba phương án mà
Bộ GD-ĐT đưa ra, kỳ thi quốc gia chưa nên làm bây giờ.
Lý do tôi không ủng hộ vì bất cứ sự đổi mới thi cử nào
cũng cần tính đến đối tượng chịu đựng kỳ thi đó. Nhìn vào thực tế giáo
dục phổ thông thì thấy học sinh hiện nay đang phải học quá nhiều môn rất
vất vả.
Trong khi việc đổi mới kỳ thi có thể lại khiến các em
chịu áp lực lớn hơn khi phải thi nhiều môn học, bài thi gộp kiến thức
của nhiều môn học. Hiện nay, do chưa đổi mới chương trình và cách dạy
học vẫn là nhồi nhét kiến thức nên nếu có thi theo bài cũng chỉ là sự
tập hợp của nhiều môn học.
Về bản chất, học sinh sẽ phải học nhiều môn học để đáp
ứng kỳ thi đó. Trong khi đó, việc gộp nhiều mục đích vào một kỳ thi sẽ
khiến học sinh có tâm lý căng thẳng hơn so với các kỳ thi riêng rẽ.
Tôi đứng về phía học trò nên cho rằng hãy khoan “đột
phá” kiểu này, mà hãy chú trọng đổi mới quá trình dạy học, chương trình
học đi đã".
|
Tiếp lời GS Hạc, PGS-TS Trần Quốc Toản - nguyên phó chủ
nhiệm Văn phòng Chính phủ - cũng bày tỏ: “Tôi rất băn khoăn vì cách
tiếp cận của Bộ GD-ĐT trong việc đưa ra các phương án tổ chức một kỳ thi
quốc gia. Việc đổi mới thi này có tác động như thế nào tới nội dung
chương trình, có mối quan hệ thế nào với hoạt động dạy học ở phổ thông,
Việt Nam cần điều kiện như thế nào để có thể thực hiện? Có rất nhiều vấn
đề chưa được làm rõ.
Lẽ ra Bộ GD-ĐT cần tiếp cận với toàn hệ thống giáo dục
chứ không phải chỉ tác động vào một khâu mà lại là khâu cuối cùng của
quá trình dạy học, rồi hi vọng việc này sẽ thay đổi ngược trở lại hệ
thống”.
Theo PGS Toản, một sản phẩm muốn kiểm tra chất lượng
thì cần kiểm tra, giám sát trong quá trình thiết kế, sản xuất chứ không
phải chờ làm xong mới kiểm tra. Trong giáo dục cũng thế, chất lượng
không phải chỉ dùng thi cử để tác động mà cần sự đổi mới, điều chỉnh
đồng thời ở toàn hệ thống. Đây là điều chúng ta cần phải suy nghĩ lại.
“Tôi chỉ ví dụ một vấn đề thôi. Hiện nay cấu trúc giáo
dục cơ bản trong hệ thống giáo dục quốc dân là 9 năm hay 10 năm còn chưa
ngã ngũ, nhưng Bộ GD-ĐT lại đi lo xây dựng và bàn về kỳ thi cuối cấp.
Nếu trong tương lai cấu trúc hệ thống giáo dục thay đổi, kéo theo đó là
yêu cầu thay đổi việc công nhận trình độ giáo dục cơ bản thì Bộ GD-ĐT
lại điều chỉnh thi cử lần nữa, và khi đó sẽ không thể tổ chức một kỳ thi
chung hai mục đích như hiện nay được” - PGS Toản băn khoăn
PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Viện Khoa học giáo dục Việt
Nam, cũng cho rằng: “Theo xu thế chung, việc đổi mới GD-ĐT ở Việt Nam
nên chú trọng đến đánh giá thường xuyên hơn là đánh giá ở khâu cuối
cùng. Bởi thế khi việc đánh giá thường xuyên và những yếu tố đi kèm
trong quá trình đánh giá thường xuyên chưa được thay đổi mà đã lo thay
đổi đánh giá ở khâu cuối thì chưa nên”.
Đề xuất phương án khác
“Bộ đã quyết chọn một trong ba phương án đã công bố,
vậy nếu chúng tôi đề xuất phương án khác bộ có nghe không, vì trong
chúng tôi nhiều người không đồng ý cả ba phương án đó” - TS Nguyễn Tùng
Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, chất vấn. Câu hỏi này của TS
Lâm mở đầu cho một loạt ý kiến, đề xuất nằm ngoài ba phương án của Bộ
GD-ĐT.
PGS-TS Trần Quốc Toản cho rằng trước mắt khi hệ thống
giáo dục chưa được thay đổi thì nên duy trì hai kỳ thi, nhưng kỳ thi tốt
nghiệp THPT chuyển giao toàn bộ cho các trường phổ thông tổ chức. Kỳ
thi sẽ được tổ chức nhẹ nhàng, chỉ như một kỳ kiểm tra kiến thức, không
đánh đố học sinh. Theo đó việc kiểm tra có thể thực hiện với tất cả các
môn học.
PGS Nguyễn Đức Minh cũng ủng hộ phương án này khi cho
rằng: “Các trường có thể tổ chức kỳ thi sau khi học sinh học hết lớp 12
để lấy kết quả cấp bằng tốt nghiệp. Những học sinh thi chưa đạt hoặc
không thi có thể được cấp chứng nhận đã học xong chương trình THPT. Các
địa phương có thể tự ra đề hoặc lấy từ ngân hàng đề của Bộ GD-ĐT. Bộ chỉ
có vai trò ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát. Kỳ thi
quốc gia có thể vẫn tổ chức nhưng không phải nhập từ kỳ thi tốt nghiệp
THPT và kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ.
Trong đó những học sinh vì một lý do nào đó không tham
dự kỳ thi lấy bằng tốt nghiệp THPT ở địa phương vẫn có thể tham dự kỳ
thi quốc gia và lấy kết quả đó đề nghị các trường, sở GD-ĐT công nhận
tốt nghiệp. Kết quả kỳ thi quốc gia có thể sử dụng để xét tuyển ĐH-CĐ
nhưng có thể các trường ĐH-CĐ vẫn tổ chức hình thức xét tuyển riêng.
Với kiểu “kỳ thi quốc gia” này, một năm có thể tổ chức
nhiều lần, tạo điều kiện cho học sinh chưa thi hoặc thi không đạt được
tham gia thi lại. Ở Mỹ, kỳ thi như vậy có 12 lần/năm, nhiều quốc gia
khác thi 3-4 lần/năm. Ở Việt Nam, ít nhất nên tổ chức 2 lần/năm. Theo
PGS Minh cách nhìn nhận, tổ chức như trên sẽ giảm áp lực cho học sinh
khi bị dồn vào một kỳ thi quốc gia bắt buộc.
GS-TS Trần Kiều cho rằng cơ quan quản lý giáo dục Việt
Nam có xu hướng quan trọng hóa việc thi cử, trong đó tập trung vào các
kỳ thi cuối cấp, cuối kỳ. Đó chính là lý do việc xác định một phương
thức tổ chức kỳ thi bị đẩy vào thế khó khăn, khó đồng thuận. Vì thế GS
Kiều ủng hộ việc trước mắt nên tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ
nhàng và tập trung lo đổi mới việc đánh giá thường xuyên, sàng lọc trong
quá trình GD-ĐT.
0 comments:
Post a Comment