Đầu năm học 2013-2014, phụ huynh các trường ở TPHCM
xôn xao khi nhận được lời “đề nghị” từ phía ngành giáo dục, rằng mỗi
người phải đóng một khoản tiền không nhỏ để mua những chiếc “bảng tương
tác” có giá hàng trăm triệu đồng để phục vụ việc học cho con cái họ. Bấy
giờ, trên một số báo chí còn có những bài viết “lăng xê” loại “thiết bị
hiện đại” này với đủ thứ “lợi ích” khác nhau. Vì vậy, mặc dù chưa biết
mặt mũi những chiếc bảng tương tác ấy tròn méo ra sao, những phụ huynh
này đều đã phải “vui vẻ” móc hầu bao để đóng cho nhà trường.
Thế nhưng, ngay từ đầu trong dư luận đã xuất hiện
nhiều ý kiến trái chiều về việc sử dụng phổ biến bảng tương tác trong
các trường. Nhiều phụ huynh đã thẳng thắn đặt câu hỏi với các giáo viên
chủ nhiệm: “Nếu đa số phụ huynh không đồng ý thì có thực hiện không?”.
Câu trả lời họ nhận được là: “Đây là chỉ đạo từ Sở GD- ĐT, bắt buộc nhà
trường phải thực hiện chứ chính bản thân các giáo viên cũng không muốn.
Bởi hằng ngày các giáo viên dạy tiết giáo án điện tử đã có máy chiếu
rồi, không cần mua thêm thiết bị nữa”. Thế nhưng, “lệnh” từ trên đã
“ban” và tất cả các trường đều buộc phải chấp hành, còn “trách nhiệm”
của phụ huynh là phải đóng tiền!
Được biết, theo kế hoạch hồi đầu năm học trước
thì toàn thành phố sẽ trang bị cho 412 trường mầm non 412 bộ, 194 trường
tiểu học 582 bộ (mỗi trường 3 bộ thiết bị). Tổng kinh phí mua sắm là
179,914 tỉ đồng (mỗi bộ trị giá 181 triệu đồng).
Một thời gian sau, thông qua báo chí thì nhiều
phụ huynh mới vỡ lẽ: Việc mua sắm bộ thiết bị giảng dạy đa chức năng
(bảng tương tác) cho khối mầm non và tiểu học là thực hiện theo chỉ đạo
của UBND TPHCM (về mua sắm trang thiết bị để thực hiện Đề án “Phổ cập và
nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên
nghiệp thành phố” và Đề án “Phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi”). Trong đó,
Nhà nước sẽ hỗ trợ 50% kinh phí, 50% còn lại các trường phải vận động
phụ huynh học sinh đóng góp. Đến giờ, khi hầu hết các trường đã được
trang bị bảng tương tác vẫn còn lúng túng trong cách sử dụng, thậm chí
chưa biết phải làm gì với chúng và có nơi “trùm mền” thì các phụ huynh
vẫn cứ tiếp tục phải đóng góp để... trả nợ!
Câu chuyện lùm xùm về bảng tương tác chưa kịp
lắng xuống, thì gần đây lại thêm việc chương trình tiếng Anh trong
trường tiểu học bị xáo trộn. Cụ thể là chương trình Cambridge vốn đang
được giảng dạy bấy lâu nay bỗng dưng bị “ách lại” và thay vào đó là một
chương trình “lạ hoắc” mang tên “chương trình tích hợp”, mà theo lý giải
ban đầu của nhà cung cấp chương trình - công ty EMG - là do thực hiện
theo một liên kết với Bộ Giáo dục Anh. Tuy nhiên, sau khi vị lãnh sự Anh
tại TPHCM khẳng định “hoàn toàn không có sự liên kết nào giữa Bộ Giáo
dục Anh với EMG hay Sở GD-ĐT TPHCM”, thì những người có trách nhiệm
lại... lặng thinh, không đưa ra thêm lời giải thích nào thực sự thỏa
đáng. Thay vào đó là việc “tạm ngưng” đưa chương trình tích hợp vào
trường phổ thông như dự kiến ban đầu.
2 “MÓN NỢ” ĐẦU NĂM HỌC MỚI
Như vậy, ngay từ những ngày đầu năm học mới,
ngành giáo dục TPHCM (và một số địa phương khác) đã phải gánh 2 “món nợ”
đối với học sinh và phụ huynh – bảng tương tác và chương trình tiếng
Anh. Đến giờ, chưa một ai có trách nhiệm trong ngành giáo dục trả lời
một cách đầy đủ và thuyết phục về tác dụng, hiệu quả của bảng tương tác
cũng như chưa thể đưa ra được những biện giải hợp tình hợp lý về chương
trình tiếng Anh.
Mặc dù vậy, dư luận xã hội vẫn có những đánh
giá theo cách của mình dựa trên những thông tin mà họ thu thập được qua
báo chí. Điều dễ nhận thấy là trong cả hai trường hợp gần như “bị ép”
phải mua thiết bị và thay đổi chương trình, đều có bàn tay tác động của
những doanh nghiệp (Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC - nhà cung cấp chính
thiết bị bảng tương tác tại TPHCM và công ty EMG - đối tác của Sở GD-ĐT
TPHCM trong việc cung cấp chương trình tiếng Anh tích hợp thay thế
chương trình Cambridge). Trước sự việc này, nhiều người đã đặt câu hỏi:
Phải chăng, “kỹ thuật marketing” của nhà thương mại đã len lỏi vào cơ
quan quản lý Nhà nước – cụ thể là ngành giáo dục TPHCM? Hay “lợi ích
nhóm” đã có tác động đến những chuyện trọng đại như giáo dục, bất chấp
kết quả và hiệu quả như thế nào?
Đã có những nhà giáo kỳ cựu nhận xét: Việc phụ
huynh hiện nay ở một số trường đang kêu ca chuyện huy động nguồn lực của
họ cho việc trang bị bảng tương tác hay chuyện “bỗng dưng” thay đổi
chương trình tiếng Anh khi vẫn chưa có đủ căn cứ, cơ sở khoa học để đánh
giá thiệt - hơn giữa cái cũ và cái mới, là do người quản lý chưa nhìn
một cách toàn diện những điều nên - không nên khi bắt tay vào với cái
mới. Trước khi đưa ra một quyết định đổi mới nào đó đối với giáo dục,
rất mong các cấp quản lý nên “lật tới, lật lui” vấn đề một cách thấu đáo
để tránh những “bể dâu dư luận” vốn đã quá nhiều, quá buồn với ngành
giáo dục.
Biết nói không với những “đổi mới” không đem
lại hiệu quả cũng là điều chứng tỏ bản lĩnh và nhân cách nhà giáo! Tiếc
rằng, vì không biết... nói “không”, nên những “món nợ” vẫn còn treo lơ
lửng trên đầu học sinh và phụ huynh ngay từ đầu năm học mới này. Và
nhiều phụ huynh tiếp tục lo ngại, sẽ có bao nhiêu “nhóm lợi ích” sẽ còn
tác động để biến con cái họ trở thành “chuột bạch” trong những cuộc thử
nghiệm hay bị đặt vào những tình thế “khó đỡ” trong một môi trường giáo
dục nhuốm màu sắc thị trường?...
0 comments:
Post a Comment