Đó là kết quả trong lần đầu tiên tiến hành thẩm định công tác đào tạo tiến sĩ ở các trường ĐH do Bộ GD-ĐT thực hiện trong hai năm 2013 và 2014.
Từ thống kê của Bộ GD-ĐT, không khó để nhận ra tốc độ tăng trưởng quy mô đào tạo sau đại học, trong đó có đào tạo tiến sĩ, đang “phình” ra một cách ngoạn mục.
Trong 10 năm (2001-2011), số nghiên cứu sinh tăng gần gấp đôi, từ 2.500 lên đến gần 4.700, còn số người học lấy bằng thạc sĩ thì tăng đến hơn bốn lần (từ hơn 15.000 lên gần 63.000 học viên).
Trường nói đạt, bộ bảo không
Một luận án tiến sĩ xuất phát từ khoa địa lý Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, được bảo vệ thành công, chủ nhân chỉ chờ ngày được trao bằng tiến sĩ. Bất ngờ, khi Bộ GD-ĐT tiến hành thẩm định thì luận án này lại lọt vào tầm ngắm đặc biệt: 2/3 nhà thẩm định độc lập đánh giá luận án không đạt yêu cầu.
“Ở Mỹ, tiến sĩ chỉ làm việc trong các viện nghiên cứu, trường học. Còn ở Việt Nam, đang có xu hướng phổ cập tiến sĩ, thạc sĩ…”Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị giáo dục ĐH năm 2013 |
Theo quy định, Bộ GD-ĐT lại phải làm bước tiếp theo: triệu tập hội đồng bảo vệ luận án cấp trường để đối thoại trực tiếp với hội đồng thẩm định cấp bộ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Văn Thanh- trưởng khoa địa lý Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – cho hay trước khi bị đưa ra thẩm định, luận án về mô hình áp dụng cho đánh giá môi trường nước ở Hà Nội đã được bảo vệ thành công tại trường với 4/7 thành viên hội đồng đánh giá đạt mức “xuất sắc”.
Đến khi bộ lập hội đồng thẩm định, với vai trò là trưởng khoa, ông được thông báo: luận án đăng ký mã ngành về địa lý là không đúng. Nhưng theo một số chuyên gia, nếu để luận án bảo vệ thuần túy về chuyên ngành môi trường thì cũng không đạt.
Sau này, một cuộc họp kéo dài suốt buổi sáng đến tận cuối giờ chiều mới cho kết quả 5/7 thành viên hội đồng thẩm định đồng ý luận án đạt với những yêu cầu bổ sung hết sức ngặt nghèo. Sau khi chỉnh sửa lại rất nhiều lần, nghiên cứu sinh lại được cấp bằng tiến sĩ, chỉ chậm hai năm so với bình thường.
Đây là trường hợp mà Bộ GD-ĐT phải xử lý rất nhiều bước để đánh giá lại một luận án tiến sĩ khi chủ nhân của nó chỉ chờ ngày được trao bằng. Thực tế, năm 2013, lần đầu tiên trong quản lý đào tạo sau ĐH, Bộ GD-ĐT tiến hành thẩm định hồ sơ, quy trình bảo vệ luận án tiến sĩ cũng như chất lượng của các luận án này với tỉ lệ tối thiểu 30% số luận án đã được bảo vệ.
Với gần 2.000 nghiên cứu sinh bảo vệ mỗi năm, Bộ GD-ĐT sẽ phải thẩm định khoảng 650 hồ sơ và luận án cụ thể. Đến thời điểm này cũng mới chỉ có bốn luận án bị đánh giá “không đạt yêu cầu, phải thành lập hội đồng thẩm định”.
Quy trình đào tạo có vấn đề
Nhìn toàn cảnh, quy trình đào tạo tiến sĩ, tổ chức bảo vệ luận án của các trường hiện đang thật sự có vấn đề. Kết quả thẩm định mà bộ làm rốt ráo hai năm qua cho thấy có đến 50% cơ sở không làm đúng quy trình đào tạo tiến sĩ và 3,1% trong số luận án thẩm định không đạt yêu cầu, phải thành lập hội đồng thẩm định.
Tại hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận có gần 90% số hồ sơ thẩm định phải bổ sung, rút kinh nghiệm. Lỗi vi phạm gặp nhiều nhất là dù đào tạo tiến sĩ không đúng ngành với ngành đào tạo thạc sĩ trước đó của nghiên cứu sinh.
Nhưng nhà trường không tổ chức học bổ sung đầy đủ, rồi không ít hồ sơ tính bài báo khoa học của nghiên cứu sinh với vai trò đồng tác giả, nhưng lại thiếu xác nhận của đồng tác giả còn lại cho phép nghiên cứu sinh sử dụng công trình chung để bảo vệ luận án.
Cũng có trường hợp những bản nhận xét của các nhà khoa học về tóm tắt luận án lại trùng lắp, hao hao giống nhau…
Ngoài 3,1% luận án được đánh giá lại “không đạt” buộc Bộ GD-ĐT phải lập hội đồng thẩm định, thì phần nhiều luận án bị “phê” có chất lượng chưa cao với gần 80% luận án phải chỉnh sửa bổ sung sau thẩm định.
GS Hoàng Tụy:Không thể gian dối trong khoa học
Đừng vì xảy ra những vụ việc tai tiếng mà quay ra đổ ngay cho quy
định. Dù quy định có chặt chẽ, nhưng nếu người ta cố tình vi phạm thì
không quy định nào ngăn được. Vấn đề của Việt Nam là nhiều trường ĐH làm chưa nghiêm túc, rồi sau đó việc xử lý càng không nghiêm túc. Nếu có chuyện mua bán văn bằng, một người làm rồi bán lại công trình cho người khác thì chẳng khó gì nhận diện nếu hệ thống thật sự có quyết tâm. Giải quyết được gốc rễ những trò mua bán bằng cấp này không phải cứ đề ra quy định có vẻ mới, có vẻ chặt chẽ là xong. Nếu xã hội cứ dễ dãi bỏ qua những vi phạm đạo đức khoa học, không xử lý nghiêm thì những hiện tượng tiêu cực sẽ không còn là chuyện lạ được nữa. |
Có thể thẩm định toàn bộ hồ sơ đào tạo tiến sĩ tại ĐH Thái Nguyên
Trong khi chất lượng đào tạo tiến sĩ đang gây ra nhiều tranh luận
trái chiều thì dư luận lại phát “sốt” với nghi vấn về vị PGS giữ chức
trưởng bộ môn y tế cộng đồng Trường ĐH Y dược – ĐH Thái Nguyên đồng ý
giúp đỡ một người chuyên buôn gỗ lấy được tấm bằng tiến sĩ y khoa với
“chi phí bồi dưỡng” 200 triệu đồng. Sự việc bị phanh phui khi người buôn
gỗ thực chất là một phóng viên nhập vai để tìm hiểu. Ngay trong chiều 18-8, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi đến ĐH Thái Nguyên yêu cầu khẩn trương báo cáo chi tiết sự việc đang gây nên dư luận không tốt đối với môi trường sư phạm. Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay bộ yêu cầu ĐH Thái Nguyên phải báo cáo cụ thể sự việc, tự đề xuất hướng xử lý. Ngoài vụ việc cụ thể, ĐH Thái Nguyên cũng sẽ phải báo cáo về số lượng thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo tại trường những năm qua và quy trình đào tạo sau ĐH. “Trước đây, chất lượng đào tạo sau ĐH đôi khi còn bị buông lỏng, nhưng nay bộ đã thực hiện rất chặt chẽ công tác thẩm định, coi đó là công cụ để kiểm soát chất lượng luận án, luận văn một cách độc lập. Với trường hợp ĐH Thái Nguyên, nếu sau khi nhận được báo cáo, còn những nghi vấn, có thể bộ sẽ tiến hành thẩm định lại toàn bộ hồ sơ đào tạo tiến sĩ của cả trường” – ông Ga nhấn mạnh. Cùng ngày 18-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Đặng Kim Vui – giám đốc ĐH Thái Nguyên – xác nhận những trao đổi đặc biệt giữa PGS.TS Đàm Khải Hoàn – trưởng bộ môn y tế cộng đồng Trường ĐH Y dược – và nhân vật nhập vai người học đã diễn ra từ hai năm trước. Năm 2012, khi xảy ra sự việc, Đảng ủy và ban giám hiệu Trường ĐH Y dược đã họp một số lần và mời PGS.TS Đàm Khải Hoàn lên làm việc. “PGS Hoàn trình bày đã gặp một người nói có bằng thạc sĩ, giờ muốn làm tiến sĩ và người học gợi ý chi phí do người học đề xuất, chứ anh Hoàn không có ý chào mời, đòi hỏi. PGS Hoàn nói sẽ rút kinh nghiệm. Lúc bấy giờ, trường chưa xử lý vì chưa có chứng cứ” – GS Vui nói. Tuy nhiên, khi sự việc tiếp tục gây dư luận trở lại, ngày 18-8, GS Vui đã yêu cầu hiệu trưởng Trường ĐH Y dược phải làm việc lại với PGS Hoàn. “PGS Hoàn sẽ phải giải trình tại sao lại nói như thế và vì sao đã được cảnh báo hai năm qua mà giờ nhà trường vẫn tiếp tục nhận được phản ánh rằng “không có chuyển biến”. Nếu có tiêu cực thật, trường sẽ xử lý quyết liệt” – ông Vui nói. Ông Vui cho rằng đây mới chỉ là phản ánh nhập vai, chứ chưa có bằng chứng cụ thể của một học viên, nghiên cứu sinh nào được PGS Hoàn giúp đỡ theo cách đó. “Không có chuyện lọt cửa được vì quy chế đào tạo của bộ rất rõ ràng. Thầy hướng dẫn trực tiếp chỉ có thể hỗ trợ nghiên cứu sinh rõ vấn đề, viết nhanh hơn phần đề cương. Còn nghiên cứu không thể chỉ ngồi viết mà phải có số liệu thực tiễn qua điều tra, thí nghiệm… Việc đăng bài báo khoa học cũng không thể chỉ nhờ thầy là xong. Nếu cứ nói mua thì phải mua cả phản biện. Chưa kể bài đăng trên tạp chí, các nhà khoa học đọc và sẽ ý kiến. Không tạp chí uy tín nào làm như vậy” – ông Vui lý giải. Theo kế hoạch, sau khi có báo cáo giải trình của giảng viên và của nhà trường, ĐH Thái Nguyên sẽ tổ chức họp, giải quyết khẩn trương vụ việc đang gây dư luận không tốt về hình ảnh, thương hiệu của nhà trường. |
NGỌC HÀ
0 comments:
Post a Comment