Một hội thảo về giáo dục nghiêm túc đã được tổ chức nhằm phản biện dự án 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ. Người ta lại lấy VD của nước ngoài, so ta với Pháp và cho thấy con số trên vẫn còn là quá ít. Thế nhưng, có ai so GDP, so mặt bằng phát triển giáo dục và xã hội, so hiệu quả của các tiến sĩ ấy góp phần cho cuộc sống của ta với tây hay không. Ôi cái sự “đi tắt đón đầu” trong giáo dục!!!
Tiếp theo các phản biện xã hội về dự thảo đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH và các trường CĐ sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030” của Bộ GD-ĐT hồi cuối năm ngoái, sáng 21/1 vừa qua, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã tổ chức buổi hội thảo giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ tiếp cận với trình độ quốc tế. Ở buổi hội thảo này, một số nhà nghiên cứu độc lập đã có ý kiến phản biện, theo đó thì việc nói rằng Việt Nam hiện có quá nhiều tiến sĩ so với nhu cầu thực tế là thiếu cơ sở, bởi số trường ĐH và số lượng sinh viên tăng rất nhanh nên nếu tính tỷ lệ tiến sĩ so với lượng sinh viên thì con số tiến sĩ tăng chậm hoặc có xu hướng giảm và do đó con số mà Bộ GD-ĐT đặt ra về việc đào tạo 9000 tiến sĩ trong 8 năm là không đáng kể. Để lấy ví dụ, một trong những nhà nghiên cứu nói trên cho biết trường ĐH Lyon (Pháp) một năm đào tạo tới 5.300 nghiên cứu sinh, số tiến sĩ tốt nghiệp khoảng 1.000 người.
Cũng theo những phản biện trong cuộc hội thảo thì tổng kinh phí dự kiến trích từ nguồn ngân sách vào khoảng 12 ngàn tỷ đồng là chấp nhận được nếu chia cho con số 9000 tiến sĩ (bình quân mỗi suất đầu tư 1,3 tỷ đồng) chứ không quá cao và lãng phí. Trên thực tế cách phản biện này không có gì mới. Các đề án thường ra đời sau quá trình đi học tập kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới và “ở các nước như Mỹ, Pháp... người ta làm mãi rồi”.
Vấn đề là, Mỹ, Pháp hay nhiều nước khác không giống nước ta về hình thái kinh tế - chính trị - xã hội, đồng thời dân trí nói chung và trình độ năng lực ở từng lĩnh vực nói riêng cũng có sự chênh lệch. Người ta không thể copy cả một xã hội, vì thế rất cần những người tài giỏi, có tâm để vận dụng những bài học quý giá mà thế giới đã trải qua vào tình hình thực tiễn của nước nhà, chứ không phải là bê nguyên xi. Hội nhập là nhằm đưa đất nước phát triển, chứ nhập hội rồi luôn đứng bét bảng, e là chẳng ai muốn cả. Ấy là nói về tổng quát, còn trong trường hợp phản biện cụ thể của hội thảo nói trên, dễ thấy ngay ví dụ mà người phản biện đưa ra cũng đã chỉ rõ ở đại học Lyon (Pháp), trong số 5.300 nghiên cứu sinh đầu vào thì chỉ có 1.000 tiến sĩ ở đầu ra. Nói cách khác, không phải cứ đưa đại nghiên cứu sinh bằng nguồn tiền ngân sách đi nước ngoài là tất cả khi quay về đều trở thành tiến sĩ. Sự lãng phí mà dư luận xã hội phản biện chính là ở điểm này, với mục đích cảnh báo rằng khi sử dụng nguồn tiền ngân sách để đưa nghiên cứu sinh đi làm tiến sĩ ở nước ngoài thì phải có sự chọn lựa cẩn thận để sao cho đạt được yêu cầu đề ra mà vẫn tiết kiệm ngân sách trong hoàn cảnh quốc gia không dư dả gì.
Cách đây chục năm, người ta đào đường mà chẳng cần gì phải che chắn. Giờ thì công trình làm giữa đường đi lối lại đều quây kín, có biển báo đàng hoàng. Song như đã biết ở một số nơi, bên trong cái vỏ quây kín kia, người ta bày ra đủ thứ máy móc nhưng nhiều ngày chẳng có ai làm gì, mà đường thì vẫn tắc, nước vẫn ngập. Cũng tương tự như người ta từng làm những chiếc bánh chưng rất to, nặng tới hàng tấn với vỏ ngoài đẹp đẽ, kỳ thực bên trong chỉ toàn độn xốp. Dĩ nhiên việc đào tạo tiến sĩ là cần thiết nhưng khi đòi hỏi về lượng chất xám càng cao thì việc cân nhắc và giám sát chất lượng đào tạo lại càng phải cẩn thận kỹ càng thay vì chạy theo số lượng. Làm để lấy cái vỏ ngoài, chắc chắn sẽ chỉ nhận được cái vỏ, còn phần ruột thì có lẽ chẳng hơn những ví dụ nói trên là mấy, xét ở góc độ đưa chất lượng của học thuật vào cuộc sống. Đó là điều hoàn toàn lường trước được cho tương lai của nền giáo dục đào tạo nói riêng và mọi mặt trong đời sống xã hội nói chung.
Quang Minh
http://songmoi.vn/hoi-nhap-va-nhap-hoi-79977.html
0 comments:
Post a Comment