“Nhà trường lạm thu thì phải nghiêm khắc chấn chỉnh, song hành vi của phụ huynh như thế, tôi cho là đáng trách. Điều này dẫn đến hệ quả rất xấu về nhận thức giáo dục”, nhà sử học Dương Trung Quốc cho ý kiến.
Tôi đồng ý với ông Quốc. Hơn thế nữa, tôi nghĩ điều này cho thấy đạo đức trong ngành giáo dục đã và đang ở trong tình trạng suy thoái rất đáng buồn, đáng lo. Bởi vì những sự việc nói trên không chỉ xảy ra tại trường Mầm non Hợp Tiến, mà đã từng xảy ra hoặc đang bàng bạc nhiều nơi trong môi trường giáo dục nước nhà! Mười mấy năm trước, ít người tưởng tượng được những sự kiện “động trời” như thế có thể xảy ra trong môi trường giáo dục Việt Nam! Để tới mức “phụ huynh đòi lại quà giáo viên trong dịp lễ, Tết” thì chắc chắn không phải một ngày, một buổi!
Bài viết không muốn nói bên nào có lỗi bởi vì muốn nhấn mạnh tới một khía cạnh khác mà theo tôi quan trọng hơn nhiều: cả hai bên đều là nạn nhân, giáo viên và cha mẹ học sinh!
Nhiều nhân chứng thời đất nước phân đôi còn nhớ hình ảnh cao đẹp và thân thương của thầy cô trong lòng học sinh, trong lòng xã hội. Miền Nam là các thầy cô trang nghiêm, nền nếp, cô áo dài, thầy sơ mi màu nhã bỏ trong quần tây, nghiêm túc và nhẹ nhàng, thanh lịch và ân cần, sẵn sàng cầm tay và ngồi xuống khi học trò cần giúp đỡ... Miền Bắc, là thầy cô dạy dỗ và chăm sóc học trò trong điều kiện thiếu thốn nơi sơ tán, thậm chí có người che bom đạn cho các em... Ngày ấy có xa lắm đâu!
Không ai tự nguyện rời bỏ một vị thế đẹp đẽ, cao quý, yên vui như thế để xuống cấp như hình ảnh của thầy cô và phụ huynh trong những bài báo liên quan. Vậy thì, từ lúc nào các nhân vật chính của môi trường giáo dục, thầy cô, phụ huynh và học sinh, lại trở thành như thế?
Có quan điểm cho rằng do mặt trái của nền kinh tế thị trường. Tôi cho rằng nên dứt khoát loại bỏ quan điểm đó. Hãy nhìn Tây Âu, nơi nền giáo dục được hỗ trợ từ ngân sách, và Hoa Kỳ, nơi nền giáo dục có tính thị trường cao độ, mối quan hệ giữa người dạy với người học bình đẳng, vui vẻ, tôn trọng và cộng tác. Nơi đó người dạy làm tròn trách nhiệm người dạy, người học hưởng thụ sự truyền thụ tri thức và cả phong cách sống hữu hiệu và tốt đẹp. Sự tốt đẹp đó đã tạo nên sức hấp dẫn làn sóng di tản giáo dục của nước ta.
Theo quan sát của tôi, đạo đức học đường bắt đầu suy thoái dần từ mấy mươi năm trước, và suy thoái nhanh trong vòng mười, mười lăm năm lại đây, sự suy thoái đó, phải chăng có nguồn gốc từ cách tổ chức xã hội hoặc từ cách vận hành xã hội, hoặc từ cả hai? Câu hỏi được đặt ra từ tấm lòng trăn trở với sự xuống cấp của giáo dục học đường. Mong sao sớm có câu trả lời từ các nhà giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo.
Tôi nghĩ lãnh đạo giáo dục Việt Nam, xã hội Việt Nam cần thẳng thắn trả lời câu hỏi trên để có một cái nhìn tận cốt lõi của vấn đề. Để từ đó có thể đề ra các giải pháp căn cơ phục hồi đạo đức cho ngành giáo dục.
Lãnh vực nào cũng vậy, suy thoái đạo đức dẫn tới suy thoái toàn diện!
Lê Học Lãnh Vân
0 comments:
Post a Comment