- Chuyện một nữ sinh viên tốt nghiệp thủ khoa trường ĐH Sư phạm phải ở nhà chăn lợn vì không xin được vào biên chế đang làm dư luận xôn xao.
Đọc bức thư của nữ “thủ khoa chăn lợn” Bùi Thị Hà trú tại thôn Thái Hà (xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang) gửi cho ông Triệu Tài Vinh- Bí thư tỉnh ủy Hà Giang cách đây 1 năm mà thấy buồn và cám cảnh cho cô gái.
Bùi Thị Hà là con nhà nghèo, gia đình em thuộc hộ cận nghèo của xã. Bố mất vì tai nạn, mẹ miệt mài nuôi 3 chị em ăn học, nhưng cô và chị gái tốt nghiệp ra trường vẫn chưa có việc làm. Hơn thế nữa, Hà còn tốt nghiệp thủ khoa trường ĐH Sư phạm II, được tặng bằng khen ở Văn Miếu, bởi vậy em tiếc công học tập của mình, quyết trở về cống hiến cho quê hương.
Nhưng quê hương từ chối tấm lòng của em, bằng chứng là nhiều lần Hà đi nộp hồ sơ nhưng đều được trả lời là chưa có chỉ tiêu biên chế. Vì thế em phải ở nhà chăn lợn cùng mẹ. Câu chuyện gây xôn xao cộng đồng.
Nhiều người thương cảm đề xuất Hà Giang phải có cơ chế nhận những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc như Hà vào biên chế, người tài phải được tìm về chứ không chờ họ nộp hồ sơ xin việc. Than ôi, đó là cái tư duy “giải cứu thủ khoa”, dựa vào sự thương xót của cộng động y như thể chúng ta từng giải cứu dưa hấu, hành, tỏi...cho nông dân
Nếu ai cũng được ưu tiên “giải cứu” như thế thì những người đang nằm trong biên chế sẽ phải tống vào đâu, để lấy chỗ cho thủ khoa? Tất cả đều phải phụ thuộc vào chuyện “cung- cầu” giáo viên. Chọn học một ngành có đầu ra thừa mứa trong thời điểm này như ngành sư phạm, tình cảnh như em là số nhiều.
Tất nhiên, nếu gia đình em có đủ tiền để “chạy” một suất vào biên chế thì đó lại là chuyện khác.
Tôi thấy tiếc cho Hà, vì nếu em thực sự giỏi, em có thể cất bỏ tấm bằng tốt nghiệp thủ khoa ấy sang một bên khi không được tuyển dụng, để lao vào cuộc chiến, khẳng định bản lĩnh của mình. Em có thể đi dạy hợp đồng để tích lũy kinh nghiệm đứng lớp, đó là điều thực sự cần cho nghề giáo.
Em có thể là một người chăn nuôi giỏi, một cô tráng bánh tài năng, một nữ thợ may lành nghề, kiếm sống bằng mồ hôi và sức lao động chân chính.
Cái tư duy ngồi chờ việc thực ra đã không còn phù hợp với lớp trẻ bây giờ nữa. Chúng ta đang buộc phải chấp nhận những cô cậu ấm con nhà “danh gia thế phiệt” vừa chân ướt chân ráo ra trường là có thảm đỏ mời về những vị trí ngon nhất, vì họ có cha mẹ đỡ đầu. Còn cô bé thủ khoa, cho dù cô học giỏi, nhưng cô là ai? Là con của một gia đình nông dân, hộ cận nghèo, không có tiền chạy chọt, vậy thì xin hãy tỉnh giấc mơ hoa.
Vì vậy, Hà đừng chờ đợi để được vào biên chế nữa. Hãy chấp nhận thực tế, nếu em tha thiết với nghề giáo, em hãy đi dạy hợp đồng, rất nhiều giáo viên giỏi, họ đâu cần biên chế mới có thể kiếm sống? Nếu em không còn yêu nghề, hãy nuôi tốt đàn lợn của em.
Hãy nuôi đàn lợn của em không phải với hóa chất, thuốc tăng trọng. Hãy trồng những cây rau không độc hại. Đó là điều tốt nhất mà em có thể đóng góp với cộng đồng. Đừng nghĩ rằng chỉ vào biên chế nhà nước thì em mới có thể cống hiến được cho xã hội.
Chúng ta khó có thể tự ru mình bằng chiến dịch “giải cứu thủ khoa” như đã từng giải cứu hành tím, khoai tây, dưa hấu, chuối, ớt...Tình người ấm áp, lòng tốt, sự xót thương, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn....thuộc phạm trù đạo đức còn tìm kiếm việc làm để sống lại thuộc về nhu cầu xã hội và những quy tắc chính thống và không chính thống- luật đời quyết định. Ai cũng phải đối mặt và có lẽ ai cũng có nước mắt mặn chát.
0 comments:
Post a Comment