Bác lại nói lấp lửng thế, chắc có chuyện gì chăng?
- Thì đấy, chú thấy có đau lòng trước cái vụ thuốc điều trị ung thư giả không? Gian dối, lừa đảo đối với cả các bệnh nhân coi như “mang án tử” thì còn có cái ác nào so được nữa.
- Dưng những kẻ gian dối này đâu phải thầy thuốc, mà chỉ là “dân buôn” thôi chứ bác.
- Thế tớ hỏi chú, ai duyệt cho cái lô thuốc này vào được thị trường thuốc của ta?
- Tất nhiên việc thẩm định thuốc là do anh Y tế rồi. Dưng em nghe họ nói vì bọn làm giả này tinh vi quá, không phát hiện được.
- Không thể nói thế được, nếu thế thì sinh ra anh quản lý dược làm gì. Mà anh này cũng đâu phải dễ dãi đâu. Họ cẩn thận, nghiêm ngặt đến nỗi cái lô thuốc ung thư thật, khi được duyệt thì cũng là lúc hết hạn sử dụng cơ mà.
- Vậy cũng đau lòng thật. Đau hơn là cái thuốc giả này lại trúng thầu vào nhiều bệnh viện. Thế thì “thầy thuốc” không là “thầy” nữa rồi. Lại nữa, đâu đó vẫn có chuyện không “lót tay” thì bệnh nhân chưa được mổ, chưa được cấp cứu, chưa được quan tâm…Đúng là những chuyện này cho dù chỉ là cá biệt thì cũng làm mất đi hình ảnh đẹp của “thầy thuốc”.
- Chuyện thầy thuốc thì thế, còn chuyện thầy giáo thì sao. Giữa Thủ đô mà cô giáo đánh gãy mấy cái thước một học sinh lớp hai (tức là mới 7 tuổi), khiến chân em thâm tím chỉ vì em ra chơi vào lớp muộn.
- Vì sao, người được coi là mẹ hiền thứ hai lại ra những đòn roi nặng nề trên thân thể những em bé còn quá nhỏ, ngây thơ đến vậy? Bạo lực học đường đang là vấn nạn của xã hội, đáng tiếc và lên án hơn nó lại xảy ra từ chính giáo viên đối với học sinh, khiến dư luận không thể không lo lắng và phẫn nộ.
- Nghề giáo là nghề vinh quang, mà ngay từ đầu năm học mới này đã có bao nhiêu chuyện khiến ta không khỏi buồn lòng. Những câu chuyện không hồi kết về những khoản thu "khủng" đầu năm học mới bao nhiêu năm qua không xử lý triệt để cứ vào năm học mới lại tiếp diễn, khiến niềm tin, sự kính trọng với ngành giáo dục bị ảnh hưởng không nhỏ.
- Quả là mới có mấy ngày vào năm học mới mà ngành giáo dục đã có quá nhiều chuyện đáng bàn. Sự việc xảy ra ở Hải Phòng thật đau lòng và đáng trách. Một ngành có nghĩa vụ cao cả là "trồng người" nhưng lại có cách cư xử, sắp xếp công việc không dựa trên hoàn cảnh, năng lực thực tế, không có sự chia sẻ, ưu tiên... với những người thực sự cần ưu tiên, khiến cô giáo này bức bách đến tự vẫn.
- Dưng dù sao việc tự vẫn của cô giáo này cũng có phần đáng trách, cô đã tự hủy hoại mình và phần nào làm mất đi giá trị giáo dục của người thầy.
- Song, theo em được biết thì chuyện này khiến dư luận quan tâm và bức xúc ở chỗ, vì sao chồng của cô giáo, cha của 3 đứa con nhỏ đã thường phải xa nhà làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà nhà trường không có sự ưu tiên. Lại nữa, cô giáo này đã 40 tuổi, tức là đã có thâm niên công tác tại trường, vậy rõ ràng nếu có thừa giáo viên thì tại sao lại có chuyện tuyển thêm để thừa?
- Tất nhiên những người có trách nhiệm vẫn có thể nói "điều chuyển đúng qui trình". Dưng, cái qui trình ấy mang tính cứng nhắc, không thấu tình đạt lý nên mới xảy ra chuyện buồn này.
- Chẳng đơn giản như thế đâu bác ạ, chuyện biên chế trong ngành giáo dục vẫn luôn “nóng”. Nhiều nơi tuyển thừa, tuyển vượt chỉ tiêu không hẳn vì nhu cầu, mà có tuyển là có “xin-cho”. Khi vượt quá số lượng qui định thì lại điều chuyển. Có điều chuyển lại có “xin-cho”. Nỗi bức xúc là ở chỗ đấy.
- Nhiều ý kiến cho rằng, bất kể ngành nghề nào, điều chuyển cán bộ là chuyện rất bình thường, việc chấp hành là nghĩa vụ của viên chức. Dưng, việc điều chuyển ấy phải bắt nguồn từ năng lực chuyên môn, công khai, công bằng, minh bạch, tùy thuộc hoàn cảnh và thời gian cống hiến của mỗi người, chứ nếu vì nhóm lợi ích, vì sự thân hữu thì ắt có chuyện bất công.
- Hàng loạt chuyện xảy ra trong ngành giáo dục, khiến niềm tin của xã hội đối với giáo dục đang bị xói mòn, mất đi tính nhân văn cao cả của nghề “thầy giáo”.
Thiện Tâm
0 comments:
Post a Comment