- Cứ đến đầu năm học, hai từ “lạm thu” lại được nhiều phụ huynh nhắc đến kèm theo cái lắc đầu ngán ngẩm.
Bức xúc, mỏi mệt nhưng đa phần các bậc mẹ cha vẫn chọn cách im lặng vì sợ con mình bị làm khó dễ nếu khác bạn bè trong lớp. Nhiều người tự hỏi: “Chẳng lẽ bây giờ đi họp phụ huynh... chủ yếu là để đóng tiền?”
Kết thúc buổi họp đầu năm tại trường con gái đang theo học ở quận Bình Tân, chị Anh thở dài khi nhìn vào bảng kê tạm thu. Chưa nói đến nhiều khoản thu khác, riêng 4 khoản thu liên quan đến việc học tiếng Anh của con đã khiến chị không hài lòng. Bên cạnh tiền Anh văn tăng cường, nhà trường còn có khoản thu: Anh văn bổ trợ, Anh văn bản ngữ và cả sổ học bạ Anh văn. Tuy số tiền không quá cao nhưng chị thắc mắc, liệu một học sinh tiểu học có cần học quá nhiều loại Anh văn đến thế hay không?
Bức xúc hơn chị Anh, mới đây, một phụ huynh khác tại Quận 1 đã đứng dậy phản đối về các khoản thu đầu năm ngay trong buổi họp với giáo viên chủ nhiệm.
Theo phụ huynh này, nhà trường thu rất nhiều khoản vô lý và không thuyết phục với số tiền không hề nhỏ. Chưa tính đến tiền học phí, mới đầu năm người cha này đã đóng gần 3 triệu đồng cho các khoản thu phụ của con mình. Điều khiến anh bức xúc hơn là tất cả khoản thu đều không có phiếu mà chỉ nộp tiền rồi ký tên vào danh sách. Phụ huynh này than thở: “Nhà trường cứ hở ra là phụ thu. Mỗi lần đi họp là Ban Đại diện Cha mẹ học sinh phụ thu. Thậm chí bây giờ đi họp phụ huynh chủ yếu là để đóng tiền. Và có nhiều khoản thu cứ lặp đi lặp lại hoài...”.
Tiền máy lạnh, tiền trồng cây trong sân trường mấy năm học qua vẫn là nỗi ám ảnh với một phụ huynh có mức thu nhập thấp như chị Nga, đang sống tại Quận 6. Chị cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến đầu năm là nhà trường kêu gọi phụ huynh đóng tiền sắm sửa cái này, bổ sung cái kia. Nhưng rồi, đến nay sân trường vẫn lèo tèo vài cây xanh, học trò vẫn phải chơi đùa dưới trời nắng gắt.
Bức xúc nhưng không làm gì được, chị Nga đâm ra chán nản: “Đi họp phụ huynh đầu năm, khi cô giáo ghi các khoản cần thu trên bảng là tôi cảm thấy rất mệt mỏi. Có những khoản thực sự không cần thiết nhưng người ta vẫn nói phụ huynh đóng. Từ năm này qua năm khác không thấy trường có gì thay đổi mà tiền thì vẫn phải đóng, phụ huynh như tôi cảm thấy không còn tin tưởng vào nhà trường nữa. Tôi đặt dấu hỏi là không biết tiền đó họ thu để làm gì?”.
Tại những thành phố lớn như TP HCM, thời gian gần đây, tình trạng lạm thu đã và đang xuất hiện ở nhiều trường học, đặc biệt là khối tiểu học.
Theo bà Lê Thị Ngọc Nhẫn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt, sở dĩ có tình trạng này là do các trường lạm dụng xu hướng xã hội hóa giáo dục. Từ nhiều năm nay, quỹ về xây dựng cơ sở vật chất của trường học đã không còn thu nữa. Do đó, đối với những hạng mục sửa chữa lớn hoặc xây mới, các trường làm đề án trình lên cấp trên xin kinh phí. Những sửa chữa nhỏ như quét vôi, mua sắm bàn ghế, trang thiết bị… thì không được sử dụng ngân sách nhà nước. Nguồn thu này thường được thực hiện dưới dạng xã hội hóa và cách mà nhiều trường chọn là kêu gọi sự đóng góp của phụ huynh. Thế nhưng, nếu mọi thứ có chừng mực sẽ không khiến nhiều phụ huynh bức xúc đến vậy.
Bà Lê Thị Ngọc Nhẫn lý giải: “Có những cái gọi là biến tướng trong quá trình đưa ra những chính sách để mà thu. Đôi khi người ta lại lợi dụng cả Ban đại diện Cha mẹ học sinh làm tiếng nói kêu gọi thu tiền. Việc này hoàn toàn không đúng. Quỹ Ban đại diện Cha mẹ học sinh mục đích chính phục vụ cho học sinh. Còn nếu lấy số tiền đó phục vụ cho giáo viên, cho nhà trường thì đều không đúng”.
Quỹ Ban đại diện Cha mẹ học sinh được thu không ngoài mục đích hỗ trợ tốt nhất cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh trong nhà trường. Quỹ này có thể được quy thành học bổng, tập sách, quần áo để hỗ trợ cho học sinh nghèo hay đầu tư cho các đội tuyển văn hóa, thể thao của học sinh… Vậy nên, khi quỹ sử dụng sai mục đích, phụ huynh lên tiếng phản đối là điều dễ hiểu./.
0 comments:
Post a Comment