Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản gửi đi các nơi trong đó có Báo Giáo dục Việt Nam, hồi đáp về chuyện cán bộ trong tỉnh dùng bằng “không hợp pháp”.
Văn bản có đoạn: “ UBND huyện, thành, thị kiểm tra, rà soát việc sử dụng bằng cấp đối với cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn và xử lý nghiêm cán bộ, công chức sử dụng văn bằng không hợp pháp (nếu có); báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét, chỉ đạo”.
Ông Lê Đình Lý – Phó giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết: “Việc kiên quyết xử lý các cán bộ, công chức cấp xã của UBND tỉnh là nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, công chức. Hiện UBND tỉnh đã gửi văn bản yêu cầu các huyện, thành, thị trong toàn tỉnh kiểm tra, rà soát bằng cấp cán bộ cấp xã”.
Có vẻ như tỉnh Nghệ An đang có quyết tâm cao trong việc bài trừ tệ dùng văn bằng không hợp pháp, song nghĩ kỹ một chút sẽ thấy câu nói trào phúng: “Kính thưa các đồng chí chưa bị lộ” đã có được một minh chứng hùng hồn, giấy trắng mực đen, lại còn thêm dấu đỏ hẳn hoi. Không khó để nhận thấy vì báo chí mới chỉ nêu một vài cán bộ cấp xã, nên tỉnh chỉ yêu cầu “kiểm tra, rà soát việc sử dụng bằng cấp đối với cán bộ, công chức cấp xã”?
Điều này có nghĩa là gián tiếp Nghệ An khẳng định, cấp huyện và cấp tỉnh không có ai dùng “bằng rởm”? Động chạm đến “quan huyện, quan tỉnh” là chuyện khó, báo chí chưa có điều kiện tìm hiểu nên còn nhiều đồng chí “chưa bị lộ”, từ giờ đến lúc bị lộ người dân vẫn còn phải “kính thưa” hoặc tức lắm thì cũng phải “thưa các đồng chí chưa bị lộ”. Nếu làm đến cấp tỉnh, cấp huyện e rằng “rút giây động rừng” ảnh hưởng đến uy tín đội ngũ cán bộ lãnh đạo, ảnh hưởng đến truyền thống quê hương?
Như vậy lỗi là do báo chí chưa phanh phui để tỉnh ra văn bản chứ không phải tại tỉnh không nhiệt tình!
Nghệ An vốn nổi tiếng là đất học, đất khoa bảng, đất truyền thống cách mạng, sao lại đến cơ sự này? Câu hỏi này phải dành cho Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh. Nếu các đồng chí bận nhiều việc quá chưa có điều kiện rà soát đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện thì cũng nên công khai xin khất dư luận để dịp khác chứ đừng chơi trò “thí tốt” mấy anh/chị quan xã, tội cho mấy vị ấy thấp cổ bé họng!
Nói thế chứ Nghệ An cũng đừng buồn, đây là căn trọng bệnh của cả 64 tỉnh thành phố, của cả mấy chục Bộ, Tổng cục, Tập đoàn… chứ không phải riêng Nghệ An. Đặc biệt, nó cũng liên quan đến cả Bộ Giáo dục và Đào tạo nữa. Chẳng thế mà đã gần năm nay, người ta đã đưa ra các chứng cứ pháp lý đầy đủ về chuyện vài vị lãnh đạo đại học Chu Văn An (Hưng Yên) dùng “bằng rởm” nhưng Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo lại cho rằng người dân tố cáo sai sự thật, Cũng nhờ đó mà tỉnh Hưng Yên vẫn ung dung chống lưng để cho cái đội ngũ “Giám hiệu rởm” của trường đại học này thả sức tung hoành.
Đã có quá nhiều ý kiến về chuyện “chuẩn hóa trình độ” của đội ngũ công chức, viên chức nhà nước. Nhưng “phổ cập đại học” cấp xã hình như lại là một tiêu chí thi đua, cũng như “phổ cập tiến sĩ” mà Hà Nội dự kiến không chỉ là thi đua mà còn để “làm gương” cho cả nước. Vì thế, chuyện “bằng rởm” (Nghệ An nói văn hoa là ‘văn bằng không hợp pháp”) trở thành một phần của “văn hóa nhạy cảm”, biết thì để đấy chứ đừng bới ra lại tốn khẩu trang.
Người làm hàng rởm, hàng nhái có thể bị bỏ tù vì kiếm lời bất chính, những người tự làm hoặc kiếm cho mình bằng rởm để có một chức vụ trong bộ máy công quyền thực chất cũng là kiếm lời bất chính, có điều khi bị lộ thì chỉ bị phê bình cảnh cáo, chuyển công tác, chưa có bất kỳ ai bị bỏ tù vì sử dụng bằng rởm.
Đây không phải chỉ là sự nương nhẹ giữa các đồng chí với nhau, đây còn là cách mà các “nhóm lợi ích” dùng để tập hợp lực lượng. Điển hình nhất là “nhóm lợi ích thân hữu”. Chỉ cần con, em, bạn bè có cái bằng (đại học thì càng tốt) là có thể bố trí vào cơ quan, một thời gian sau chắc chắn sẽ trở thành “ông nọ, bà kia” như trường hợp mà báo chí đã nêu về con trai, con rể một vị lãnh đạo ở tỉnh Hải Dương.
Để tránh sự “tọc mạch” của dư luận, người ta tạo nên các “thân hữu chéo”, nghĩa là gửi người thân vào cơ quan của chiến hữu và nhận con cháu chiến hữu vào cơ quan mình. Chiêu bài này ai cũng biết nhưng chẳng ai làm gì được.
Nói đến chuyện bằng cấp, gần đây lại rộ lên chuyện ngược đời, khá nhiều huyện ủy, ủy ban huyện ở Thanh hóa bổ nhiệm lái xe không có bằng cấp tương ứng vào chức vụ Phó chánh văn phòng.
Ngược dòng thời gian vào năm 1966, một số cán bộ, đảng viên trẻ là công nhân, nông dân được tuyển chọn vào học tại đại học Bách Khoa Hà Nội, khoa Chế tạo máy có ba lớp A, B, C mỗi lớp khoảng một trăm sinh viên. Sau một học kỳ nhiều người trong số đó không theo kịp các sinh viên khác, những sinh viên này được tập trung thành một lớp riêng mà bạn bè gọi vui là lớp “D còng”, số khác được chuyển về học trường Nguyễn Ái Quốc để đào tạo giảng viên các môn chính trị.
Vậy là ngay từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước đã có quan niệm, rằng không theo học được khoa học kỹ thuật thì học khoa học chính trị. Nói cách khác, các môn chính trị học “dễ” hơn các môn khoa học kỹ thuật. Có phải vì học dễ hơn nên việc làm luận án tiến sĩ hay phong hàm giáo sư, phó giáo sư cũng dễ hơn, chính vì thế số giáo sư, tiến sĩ lĩnh vực này mới chiếm một tỷ lệ đáng kinh ngạc tại Việt Nam.
Người dân ở xã P.T. huyện Gia Lâm, Hà Nội ai cũng biết chuyện ông N. V. B, Chủ tịch xã bị tố cáo, thậm chí còn có tờ rơi khắp địa bàn về chuyện học vấn, người này sau đó chuyển sang làm Bí thư Đảng ủy xã.
Báo Hanoimoi.com.vn ngày 1/4/2014 đưa tin: “Năm 2014, theo quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập của Bộ GD-ĐT, số được miễn học phí có sinh viên chuyên ngành Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, học sinh, sinh viên, học viên theo học một trong các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh”.
Không biết những người làm công tác tổ chức, tư tưởng, đặc biệt là các sinh viên theo học hai chuyên ngành Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh có cảm thấy chạnh lòng không khi họ được xếp ưu tiên cùng các chuyên ngành “lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh” . Câu hỏi đặt ra là tại sao phải ưu tiên sinh viên hai chuyên ngành đó trong khi phó văn phòng huyện ủy chẳng cần bằng cấp gì?
Có một cách đơn giản là tuyển chọn trong số các đảng viên được kết nạp trong trường đại học, cho họ đi bồi dưỡng một hai năm về lý luận, vừa có người giỏi, vừa không làm cho người học mủi lòng, tại sao không làm?
Từ việc đề bạt cán bộ văn phòng cấp huyện của Thanh Hóa (và chắc chắn còn ở những nơi khác nữa) có thể thấy, cách thức đào tạo và bổ nhiệm đội ngũ cán bộ Đảng từ nhiều thập kỷ qua không hẳn là căn cứ vào bằng cấp, trình độ hay khả năng tiếp thu tri thức. Với những người được đào tạo theo cách thức như thế, được bổ nhiệm theo kiểu như thế, đòi hỏi họ ở vị trí tiên phong lãnh đạo dường như là một sự hoang tưởng.
Cần phải thẳng thắn nhìn nhận, rằng đang tồn tại một quan niệm rất sai về đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị, cũng như vai trò của văn phòng Đảng và chính quyền cấp huyện. Nên nhớ, hầu hết các cuộc “xuất đầu lộ diện” trả lời báo chí, truyền thông chính là cấp phó chứ không phải là cấp trưởng!
Sáu mươi năm qua, sự nghiệp giáo dục, đào tạo (trong đó có việc đào tạo đội ngũ cán bộ lý luận, chính trị) có quá nhiều bất cập. Một đội ngũ giáo viên yếu về chuyên môn sẽ ảnh hưởng đến tương lai đất nước, một đội ngũ cán bộ chính trị yếu về năng lực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng, điều này có thể lãnh đạo cấp cao đã nhận thấy nhưng sao vẫn để tồn tại?
0 comments:
Post a Comment