Logic vui: LUẬT SƯ PHƯỜNG
PHAN TRỌNG HÒA
Tôi có biết ít nhiều về
logic. Vì trong phường ngoài phố, mỗi khi có ai đó phạm sai lầm gì trong nói
năng, lập luận, tôi thường dùng kiến thức logic của mình để phân giải nên bạn
bè gọi tôi là "Luật sư phường". Từ ngày về hưu đến nay, công việc tôi
làm không xuể.
Mới trưa nay thôi, tôi đang
ngồi trong nhà đọc báo thì thấy hai học sinh lớp 6 cãi nhau chí chóe trước khu
tập thể, đứa nào cũng một mực khăng khăng rằng "tau đúng", "tau
đúng". Lại có việc làm cho "luật sư" rồi! Tôi thủng thẳng bước
ra cổng, ngoắt hai nhỏ lại hỏi. Thì ra, các cháu vừa làm môn tập làm văn ở lớp
về. Đề ra như sau:
Huế vào đông với những cơn mưa tầm tã. Cơn mưa đã trở
thành nỗi nhớ da diết của những người con xa quê. Em hãy tả cơn mưa dầm ấy vào
một chiều đông!
Thằng bé thì nhằm vào
"cơn mưa tầm tã", và viết: "Mưa như trút, sấm chớp nổ ra liên hồi...",
còn con bé lại tả "cơn mưa dầm ấy" với lời văn ảo não: "Mưa rơi,
mưa rơi dầm dề. Mưa hoài hoài, mưa buồn lê thê..."
Đọc xong đề, nghe xong
"lời trình" của chúng, tôi lắc đầu, phán:
- Sai cả! Sai cả! Nhưng do
đề ra mơ hồ, thiếu nhất quán nên các cháu mới sai. Tôi giảng giải: "mưa tầm
tã" giống với "mưa dầm" về thời gian mưa (đều là những cơn mưa
kéo dài) nhưng khác về lượng mưa. Về phương diện logic, đồng nhất hai khái niệm
này là đồng nhất hai tư tưởng khác biệt, các cháu rõ chưa?
Phân giải xong "vụ rắc
rối" đầu tiên trong ngày, tôi liền tạt qua quán bà Bê, nhấm nháp chén trà
cho ấm giọng. Vừa ngồi chưa ấm chỗ thì có hai thanh niên dáng vẻ rất thư sinh
bước vào. Sau khi chào hỏi mọi người một cách lịch thiệp, họ kéo ghế lại ngồi
chung một bàn, cạnh bàn tôi, trò chuyện.
Một thanh niên hỏi:
- Cậu năm mấy?
Thanh
niên kia trả lời:
- Mình
năm ba. Còn cậu?
- Mình
cũng năm ba.
Bà Bê trố
mắt nhìn hai người, thán phục:
- Ồ các
em ơi! Bí quyết nào đã giúp các em trẻ mãi vậy? Chị đây cũng chỉ mới năm ba mà
da dẻ đã nhăn nhúm hết cả rồi!
Hai thanh niên kia cười đắc chí. Còn tôi thì vô
cùng đau khổ - cái đau khổ của một người quan tâm về logic. Tôi ghé tai bà Bê
nói như trách:
- Khái niệm "năm ba" mà hai cậu sinh
viên đang nói là "năm thứ ba" chứ không phải "năm mươi ba tuổi"
như bà hiểu đâu!
Bà Bê gãi đầu gãi tai đánh trống lãng:
- Ông
ơi! Tôi vừa đi Hà Nội về. Ở ngoài đó người ta bảo vệ cây cối tốt lắm chứ không
phải vô trách nhiệm như dân phường mình đâu!
- Bảo vệ
thế nào? Tôi gượng hỏi.
- Cứ tối đến, hai người lại ngồi
canh một gốc cây gần sáng mới về.
Tôi
nổi cáu:
-
Lúc nãy bà vừa vi phạm luật đồng nhất, bây giờ lại phạm luật lý do đầy đủ rồi đấy!
Ở đây, việc "hai người ngồi canh một gốc cây từ tối đến gần sáng mới về"
không có mối liên hệ logic gì với việc "bảo vệ cây cối tốt" cả. Bà có
biết lũ trẻ bây giờ chẳng cần chờ trời tối, giữa thanh thiên bạch nhật cũng sẵn
sàng bám vào nhau từng cặp như sam dưới gốc cây để "giao duyên"
không?
Hình
như ân hận vì những chệch choạc trong cách tư duy của mình, bà Bê tìm cách làm
lành. Giọng bà thẻ thọt:
-
Này ông! Nếu nói như ông thì bàn dân thiên hạ còn khối kẻ phạm lỗi logic. Tôi kể
thêm một chuyện nữa, ông xem có phải không nhé!
Một buổi tối tôi ra Bờ Hồ chơi,
thấy một cô nàng vừa khóc thút thít vừa nói lời chia tay với một anh chàng:
- Đây là lần thứ năm em nghiệm
thấy rằng mối tình đầu của phụ nữ không bao giờ dẫn tới hôn nhân.
-
Mâu thuẫn tư tưởng! Đã yêu đến "lần thứ năm" thì không thể gọi là
"mối tình đầu" được! Tôi ngắt lời bà Bê.
Thú
thật, nhân loại đã bước sang thế kỷ thứ hăm mốt mà phải ngồi đàm luận với một
người quá ít hiểu biết về logic như bà Bê thì lão tôi đây buồn lắm. Nhưng lại
trộm nghĩ, giá như ai cũng kiên trì, nhẫn nại, ham học hỏi như bà ấy thì biết
đâu từ nay đến khoảng 2020, cư dân phường tôi, từ trẻ đến già, từ trong nhà ra
ngoài phố, tất cả đều xóa mù logic.
Tôi
rời quán bà Bê với những ý nghĩ mông lung đó. Sau mấy tiếng "tập thể dục
trí tuệ" khá căng thẳng với bà hàng xóm, về đến nhà, tôi liền bật tivi ra
xem đài truyền hình địa phương tường thuật trực tiếp trận bóng đá giao hữu, với
hy vọng sẽ có cơ hội để giải tỏa tâm lý. Nào ngờ, mới câu trước câu sau đã nghe
lời của "bình loạn viên" trên đài đấm vào tai:
- Sút! Thưa các bạn, vừa rồi là
cú sút của tiền đạo Z - anh sút bằng chân phải, không phải là sở trường của
anh. Và bây giờ: Sút! Lại một cú sút nữa của tiền đạo Z - anh sút bằng chân
trái, không phải là chân thuận của anh.
Trời
ơi! Một cầu thủ mà chân phải không phải
là sở trường, chân trái không phải là chân thuận thì đưa vào sân làm gì? Để
đá bằng ... chân giữa à?
-
Vô lý! Vô lý! Tôi thét lên một mình trong phòng.
(VHNA)

Những văn
bản cười in nghiêng trong bài viết trên do sinh viên khoa Ngữ văn, trường Đại
học Khoa học, Đại học Huế sưu tầm. Khi trích dẫn, để phù hợp với mạch văn,
chúng tôi có lạm phép chỉnh sửa.
0 comments:
Post a Comment