(GD&TĐ) - Phương pháp là cách thức, con đường mà chủ thể tác động tới
đối tượng nhằm đạt được mục đích. Đổi mới phương pháp dạy học đã, đang là vấn
đề thời sự “nóng” không chỉ đối với nhà trường, thầy cô, học trò,…với tất cả
những ai có tư duy về dạy học, về tự học,…
Hàng năm, cứ mỗi mùa thi, kết thúc năm học là một mùa lo âu về chất lượng
dạy và học, về “căn bệnh thành tích”,… để rồi lại thấp thỏm nuôi hy vọng đón
một sự thay đổi tích cực vào đầu năm học mới. Một điều như nghịch lý, trường
lớp ngày được mở mới thêm, khang trang, hiện đại hơn và môi trường giáo dục
đang hướng tới nhiều “chuẩn hóa” nhưng chất lượng, hiệu quả của việc dạy học
lại chưa được tương xứng với yêu cầu và sự kỳ vọng của gia đình, nhà trường và
xã hội.
Chất lượng giáo dục thấp bởi nhiều nguyên nhân, nhưng chắc chắn phải xuất phát từ chính những chủ thể của nó, chính từ công tác quản lý dạy học. Chủ thể giáo dục vẫn chưa nhiệt tâm với công tác dạy học, đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) như việc: đề xướng việc “dạy học lấy người học làm trung tâm” hay “hướng vào người học” những đã bao nhiêu năm thực hiện mà hiệu quả vẫn chưa cao; hay việc “đổi mới công tác quản lý” vẫn là việc thường xuyên hàng năm mà sự đổi thay… không mới.
Thực tế dạy học và quản lý dạy học luôn sinh động, đa dạng và phức tạp,
biến hóa không lường, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và thực thi hoạt
động giáo dục trong nhà trường. Trẻ em sinh ra có kết cấu não bộ giống nhau
nhưng trong quá trình sống và phát triển, được hấp thu sự giáo dục cùng với sự
tương tác của cơ thể và môi trường sống sẽ hình thành nên những nhân cách
riêng, sống động trong từng cá thể. Nên, dạy học và quản lý dạy học không thể
là một sự gò khuôn, cứng nhắc áp đặt lên đối tượng, cũng không thể bỏ mặc đối tượng
dự do, tùy hứng trong hoạt động mà dạy học và quản lý dạy học cần bám sát thực
tiễn, thực thi và sáng tạo theo thực tiễn sinh động của đối tượng, coi chất
lượng là thước đo hiệu quả của thành công dạy học, để từ đó mà có thể đúc rút
nên kinh nghiệm hay tạo lập nên một hệ thống lý luận giáo dục đậm đà tính triết
lý thực tiễn. Thứ triết lý ấy khẳng định rằng: sản phẩm của giáo dục là loại
sản phẩm đặc biệt, đề cao số đông, đại trà nhưng lại không chấp nhận sự đồng
loạt, khuôn mẫu, dạy học cần hướng và sự phát triển chuyên biệt, năng lực cá
nhân để giải phóng tư duy nô lệ, sự áp đặt, lệ thuộc vào “cái có sẵn” như nhà
giáo dục hiện đại John Deway kỳ vọng vào nền giáo dục văn minh, hiện đại ở thế
kỷ mới.
Phương pháp được tạo ra không phải là công cụ như chiếc chìa khóa vạn năng
để mở mọi cánh cửa khám phá, thâu tóm tri thức mà cái quan trọng (bản chất) của
phương pháp chính là tư duy định hướng, gợi mở, trợ giúp cho chủ thể hoạt động
phát huy năng lực, sở trường, thói quen, kinh nghiệm, tư duy sáng tạo để hành
động hiệu quả.
Tính hiệu quả của phương pháp không phải bị định khuôn khi người
thực hiện tuân theo các yêu cầu cần thiết mà nó luôn là một chuỗi các thao tác
mở, phong phú đa dạng các chiều hướng để cho người thực hiện tự do sáng tạo,
thực hiện mục đích. PPDH vì thể không thể là một sự ngộ nhận hay dập
khuôn máy móc, áp đặt đối với nội dung và đối tượng dạy học, chủ thể sử dụng
phương pháp cũng cần hiểu rõ bản chất của phương pháp và khả năng ứng dụng của
từng cá nhân vào quá trình dạy và học. Không có PPDH độc tôn và cũng không có
PPDH cho một sự chuyên biệt nào mà là một sự tương tác, tích hợp đa dạng, vừa
tách rời vừa hợp nhất, khi độc thoại lúc đàm thoại, diễn dịch, quy nạp, tổng
hợp,…để tạo thành một môi trường dạy học đầy sinh khí, hợp tác, cùng phát
triển.
Không khó để nhận thấy, đổi mới PPDH là khâu then chốt để nâng cao chất
lượng giáo dục, phát triển tư duy sáng tạo của người học ở mọi quốc gia, mọi
thời đại. Sẽ không có người thầy nào, nhà trường nào mà có thể theo sát cuộc
hành trình phát triển của mỗi cá nhân, mỗi cá nhân cũng không thể có thời gian,
công sức, tiền của để theo trường lớp một cách “quy củ- chính quy”, nên nhà
trường và nhà giáo cần trang bị cho người học cách học, cách sống, cách hoàn
thiện bản thân khi dời ghề nhà trường, để mỗi cá nhân có thể ứng phó với sự
thay đổi của môi trường sống, để tự hoàn thiện tri thức nghề nghiệp và văn hóa
công dân. PPDH vì thế nên lấy tự học làm trọng, quản lý dạy học cũng đề cao quá
trình mỗi chủ thể tự quản lý, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện hiệu quả các mục
tiêu dạy học.
Thực hiện hệ thống các PPDH là nhà giáo đem đến cơ hội cho HS các con đường
khám phá tri thức, nhận biết và lý giải tồn tại khách quan, đồng thời nhà giáo
cũng được củng cố vốn tri thức, phát hiện ra những mặt mạnh, yếu của kiến thức
bản thân mình, của PPDH hiện có để rồi tự học, tự bồi dưỡng, thay đổi, điều
chỉnh cách tiếp cận nội dung bài học, cách tiếp cận người học. Dạy học như thế
là dạy học đồng sáng tạo, đồng hiện hai chủ thể thầy và trò, tương tác phát
triển và thống nhất trong tổ chức hành động chiếm lĩnh tri thức bài học.
Đổi mới PPDH không phải là hoạt động đơn lập từ phía thầy- trò mà hiệu quả
của nó phụ thuộc rất nhiều vào tư duy, năng lực lãnh đạo của người quản lý
trường học. Người hiệu trưởng có vai trò quan trọng trong việc lập kế hoạch,
triển khai thực thi, kiểm tra đánh giá chất lượng hoạt động đổi mới PPDH trong
nhà trường. Những hoạt động chỉ đạo của hiệu trưởng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt
động đổi mới PPDH trong nhà trường như: hoạt động dạy học của GV và HS,
viết sáng kiến kinh nghiệm, sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học, các hội giảng,
thi GV giỏi, HS giỏi,… Như vậy, hiệu trưởng thường xuyên tác động đến hầu hết
các mặt của hoạt động đổi mới PPDH, và sự tác động ấy không rời rạc, không thụ
động mà cần chặt chẽ, chủ động, bao quát, trọng tâm vào mối quan hệ giữa các
chủ thể dạy học.
Không quá tuyệt đối đề cao vai trò của PPDH vì phương pháp không phải là
tất cả để đánh giá một quá trình giáo dục tối ưu, tính hiệu quả của phương pháp
có liên quan đến nhiều yếu tố: người dạy, người học, chương trình, sách giáo
khoa, môi trường giáo dục,… Nên, hướng tới sự dạy học tích cực , người
thầy không nên tự ti về những gì đang xảy ra với bài học, người học, tài liệu,
nhà trường,… mà cần thấy sự thành công hay hiệu quả dạy học là cả một quá trình
giáo dục, từ tư duy đến hành động, từ ý tưởng đến năng lực thực hiện, từ thầy
đến trò, từ cơ quan quản lý đến trường học,…Yếu tố quan trọng mang đến sự thành
công trong học tập chính là nội lực của các nhân tố: thầy, trò, nhà trường,…,
song hãy tạm coi là tiên quyết đi, người dạy và người học rất cần một sự đổi
mới quyết liệt về tư duy quản lý nhà trường, PPDH cần được đổi mới một cách
thực chất.
0 comments:
Post a Comment