Mục tiêu đề án không cao
Theo Bộ GD&ĐT, năm học 2016-2017, tổng số giảng viên của các trường đại học là 72.792 người, trong đó, giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 người, thạc sĩ là 43.065 người. Bộ GD&ĐT đánh giá, hiện tỉ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ trong toàn hệ thống vẫn ở mức thấp, đặc biệt, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các trường cao đẳng sư phạm còn thấp. Do đó, tại Dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030”, Bộ GD&ĐT đã đề ra mục tiêu nâng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ lên 35% (khoảng 9.000 tiến sĩ) tổng số giảng viên các cơ sở giáo dục đại học.
Đánh giá về mục tiêu Bộ GD&ĐT đề ra, GS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục nhận định: “Hiện nay, ở nước ta số lượng giảng viên có trình độ cao trong các trường đại học, cao đẳng sư phạm vẫn còn thiếu so với nhu cầu phát triển của giáo dục. Đặc biệt, số lượng cán bộ có trình độ làm việc trong trong các cơ sở giáo dục của Việt Nam vẫn còn thua một số nước trong khu vực ASEAN, như: Philippines, Thái Lan… Do đó, Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục là cần thiết”. Đồng quan điểm, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nhận định, từ năm 2018-2025, Bộ GD&ĐT đề ra mục tiêu đào tạo 9.000 tiến sĩ để nâng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các cơ sở giáo dục đại học lên 35% là một con số không cao. “Song băn khoăn lớn nhất của tôi Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện đào tạo như thế nào để có đội ngũ tiến sĩ chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục”, ông Khuyến cho biết.
Tránh “vết xe đổ”
Hiện tại xã hội vẫn còn lo lắng về chất lượng đào tạo tiến sĩ của Việt Nam, khi mà việc đào tạo tiến sĩ trong nước quá dễ dàng và còn nhiều bất cập như: Cơ sở vật chất hạn chế, số lượng người làm hướng dẫn không đủ, uy tín của nơi đào tạo không đảm bảo, chất lượng đào tạo kém… Đặc biệt, trong thời gian qua công tác đào tạo tiến sĩ quá dễ dàng nên đã hình thành các “lò” đào tạo tiến sĩ. Trước thực trạng trên, ông Lê Viết Khuyến cho rằng: Đề án phải phân tích được chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước, bởi trong những năm qua các cơ sở đào tạo tiến sĩ được mở ra tùy tiện và hình thành các “lò” đào tạo tiến sĩ. Đối với những đối tượng được gửi đi đào tạo ở nước ngoài phải có chế tài để họ trở về nước làm việc. Để đào tạo ra đội ngũ tiến sĩ có chất lượng, ông Khuyến cho rằng, Bộ GD&ĐT nên chú trọng vào khâu rà soát, đào tạo tiến sĩ có chất lượng.
“Điều quan trọng là phải đẩy mạnh công tác quản lý từ Bộ GD&ĐT xuống các cấp dưới, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo để đào tạo tiến sĩ đảm bảo chất lượng”, TS Lê Viết Khuyến nói.
Theo GS Đặng Quốc Bảo, thời gian vừa qua, xã hội lo ngại về những câu chuyện “tiến sĩ giấy”, lạm phát đào tạo tiến sĩ. Nếu lần này, chất lượng việc đào tạo tiến sĩ không được kiểm soát và lại tiếp tục đào tạo ra một lượng lớn “tiến sĩ giấy” là một điều đáng lo ngại. Do đó, Bộ GD&ĐT phải có giải pháp trong việc đào tạo tiến sĩ, để không đi vào “vết xe đổ” đào tạo mang tính hình thức.
Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định: “Nếu Bộ GD&ĐT có đủ kinh phí để thực hiện Đề án và quy trình đào tạo tiến sĩ được thực hiện công khai, minh bạch từ tuyển chọn khâu đầu vào, đào tạo và chất lượng đầu ra thì 9.000 tiến sĩ sẽ góp phần nâng cao chất lượng trong các cơ sở giáo dục. Thực tế, công tác đào tạo tiến sĩ ở một số cơ sở trong nước vẫn còn nhiều bất cập như: Một người hướng dẫn hướng dẫn từ 7-8 nghiên cứu sinh, người học thuê người làm luận văn… Do đó, Bộ GD&ĐT cần phải lựa chọn các cơ sở đào tạo tiến sĩ có uy tín và quy trình đào tạo chặt chẽ”. Theo ông Nhĩ, để Đề án đem lại hiệu quả, Bộ GD&ĐT cần phải có quy hoạch, đánh giá từng lĩnh vực đào tạo và cơ sở giáo dục nào còn yếu cần phải đào tạo để nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng cần phải có chế tài đối với những người được Nhà nước cử đi đào tạo tiến sĩ. “Thực tế, có nhiều người được các trường cử đi nước ngoài để đào tạo sau đó lại đi làm việc ở nơi khác. Do đó, đối với những người đi học theo Đề án phải cam kết về các cơ sở giáo dục làm việc lâu dài, nếu đi nơi khác làm việc Bộ GD&ĐT có thể tước bằng tiến sĩ của họ vì đã ảnh hưởng đến tài chính và mục tiêu của Đề án”.
0 comments:
Post a Comment