Chuyện đến tai Trang tử, Trang bảo “kẻ thật là hiền thì người ta không biết đến để khen chê”. Trang Chu tuy là ẩn sĩ, nhưng vua muốn được thấy mặt, chúa mong được nghe tên. Nếu miễn cưỡng phải xếp loại thì Trang thuộc phía những người có tiếng chìm. Họ thành danh nhưng không nổi danh.
Cứ theo tiêu chí của Trang mà xét thì những người nổi tiếng chưa bao giờ là người hiền. Trang tử là một trong những triết gia thành thực với mình nhất, bàn về bất cứ sự gì, hầu như ông đều đủ lời. Có điều cách nói của ông hay làm người ta buồn cười bởi ông theo Lão, “Hạ sĩ văn đạo đại tiếu chi”, một ẩn nhân người Việt ở phố cổ Hà Nội cay đắng dịch, người thấp nghe Đạo lớn ôm bụng cười vỡ ruột. Đọc “Nam Hoa kinh” thường thấy Trang không ưa người nổi tiếng, vì trong đám đó rất đông hạ sĩ.
Đương nhiên đó là chuyện của thời chưa có lá cải truyền thông, chưa có hung hăng facebook. Bởi nổi tiếng là một dấu hiệu của thành danh, một thứ mà xưa nay không những cao cả kẻ sĩ mải mê tìm mà ngay giới bình thường “sô bít” cũng vất vả kiếm. Bắt đom đóm để xem sách, hát khô cổ không hẳn để lấy tiền, tất tật chỉ mong tới ngày mọi người phải biết được tên mình. “Câu viu” trên mạng xã hội cũng đại loại thế thôi.
Niềm vui được nhiều người công nhận là một hạnh phúc nghẹn ngào khó tả. Nhưng nổi tiếng qua âm thầm chữ là chuyện “xưa rồi Diễm”, bởi nhiều người viết tuy lừng danh, có điều không phải kẻ biểu diễn nên hiếm người biết mặt. Giai thoại vỉa hè Hà Nội thời bao cấp có kể, thi sĩ Xuân Diệu đi vào Nhà hát Lớn quên không mua vé, thi sĩ lễ phép xưng danh tôi là Xuân Diệu đây. Người gác cổng không cho vào, cục cằn bảo, kể cả ông là Xuân “thịt chó”.
Từ ngày có liên miên ti vi những chuyện như vậy khó lặp lại nữa. Nhiều người làm thơ, tài gần gần bằng Xuân Diệu, thơ chưa ai thuộc nhưng khán giả đã thuộc mặt trên VTV. Cái câu “văn kỳ thanh” coi như bỏ, vì hải nội chư vị độc giả đã được “kiến truyền hình”.
Những người này khi đi ngang qua nhiều cửa thường không mua vé, tiền tiết kiệm dư lại đem gửi ngân hàng dày tới mấy sổ. Sách kinh doanh phương Đông gọi là từ danh sinh lợi. Kết hợp hài hòa lương thiện nhất giữa danh và lợi đáng kể hàng đầu là ca sĩ. Tuy nhiên không phải cứ ca sĩ nổi tiếng là dư dật, nhiều người cũng chỉ đủ ăn. Phân biệt điều này rất dễ. Các ca sĩ sung túc thỉnh thoảng hay biểu diễn từ thiện, phong độ thường vui tươi và hát những bài về mẹ. Các ca sĩ nghèo hơn thường mặt mũi buồn rầu và hát những bản tình ca tan vỡ.
Một dạng “nổi” nữa phải kể đó là doanh nhân. Nho giáo Việt Nam trọng thuyết chính danh thích phân ngôi lập thứ nên xếp họ vào thứ bét theo trình tự “Sĩ, Nông, Công, Thương”. Giới doanh nhân trọng thực ít kẻ ngụy danh giả hình nên hôm nay đang âm thầm phấn đấu trèo lên vị trí đầu. Cũng xứng đáng thôi, vì đa phần bọn họ vừa biết làm tiền lại vừa biết làm thơ. Không kể quá đông những người mẫu hay hoa hậu đã là vợ của họ, thì nhiều nhân vật điển hình trong văn học đã là chính họ, nhiều nông dân và công nhân đã đi làm thuê cho họ, thương gia đang và sẽ bồng bềnh “nổi”.
Ở căn chất, thương gia khác xa nghệ sĩ, có lợi mới miễn cưỡng kiếm danh. Phương châm truyền thống vẫn là phú quý rồi mới sinh lễ nghĩa. Khi quyên bạc giúp đỡ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, khác với các ca sĩ, hầu như mặt họ nửa vui nửa buồn. Có phải vậy chăng mà thơ của họ đã vừa có mẹ lại vừa có ái tình tan vỡ. Tuy đôi lúc huyênh hoang, nhưng những thương gia, đặc biệt người có chức, phần lớn đều thích “ngậm miệng ăn tiền”. Có lẽ nhờ phẩm chất này khiến sâu xa họ yêu sự chìm tiếng. Do vậy ở mặt nào đấy họ thật gần gũi với hiền triết.
Văn nhân thì không hẳn thuộc nhóm “nổi” như ca sĩ hay thương gia nhưng cũng không hẳn thuộc nhóm “chìm” như ẩn sĩ hay triết gia. Nó lỡ cỡ, đại khái là ba chìm bẩy nổi. Có người mặt nổi mà mông chìm, có người mông nổi mà mặt chìm. Lúc vất vả khó khăn bọn họ cũng biết chạy xe ôm hay buôn chổi đót, vậy mà kinh tế mãi vẫn không “nổi”. Do tỉ lệ người hiền trong đám văn nhân cũng không nhiều lắm, nên khát vọng đôi khi lung tung, tiền một ít danh một ít. Đấy là một trong nhiều nguyên nhân khiến nhà văn khó lập được Đức, khó lập được Công, mà thường thường chỉ lập được Ngôn.
Nhưng dù chỉ có vậy, không hiểu tại sao, đôi lúc văn chương vẫn có vẻ muôn đời bất hủ.
Do tỉ lệ người hiền trong đám văn nhân cũng không nhiều lắm, nên khát vọng đôi khi lung tung, tiền một ít danh một ít. Đấy là một trong nhiều nguyên nhân khiến nhà văn khó lập được Đức, khó lập được Công, mà thường thường chỉ lập được Ngôn.
0 comments:
Post a Comment