Cộng động mạng đang xôn xao một câu chuyện khá buồn vào đúng ngày khai trường của học sinh trên cả nước, đó là lá đơn xin ra khỏi ngành của cô giáo trẻ Hoàng Kim Anh (sinh năm 1994, Cao Bằng). Cô giáo Kim Anh đã được nhận vào biên chế ngành giáo dục của huyện Bảo Lâm, Cao Bằng, nhưng vì mức đãi ngộ quá rẻ mạt, cô quyết tâm bỏ biên chế, bỏ nghề giáo.
Chia sẻ với VnExpress, Kim Anh cho biết đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng năm 2015, từng làm kinh doanh trước khi thi đỗ công chức vào năm ngoái. Ngày đầu cô được phân công dạy ở điểm trường Nà Luông thuộc trường Nà Kiềng (xã Quảng Lâm, Bảo Lâm). Mỗi sáng, cô vượt 6 km đường đồi núi nguy hiểm tới trường. Mọi khó khăn được an ủi khi mỗi tháng cô nhận được mức lương từ 6 đến 7 triệu đồng.
Đến hè, Kim Anh được chuyển đến trường mầm non Pác Miau ở thị trấn, nơi đang thiếu giáo viên. Cô tiếp quản một lớp 39 trẻ cùng hai giáo viên khác, nhưng rồi một cô chuyển đi khiến mọi công việc trở nên khó khăn hơn. Sáng cô đến lớp từ 7h, lau dọn lớp học, thay quần áo cho những bé tè dầm, nôn trớ, chưa dạy được gì thì lại đến giờ xếp bàn cho các bé ăn, rồi lau dọn bàn ghế, lớp học.
Mô tả về nghề, cô cho biết mình phải làm quần quật 10 tiếng mỗi ngày (từ 7h sáng đến 5h chiều) đến kiệt sức, nhưng mức lương lại thấp hơn, chỉ 4,3 triệu đồng. Chưa kể những áp lực từ phụ huynh, chỉ cần lơ là một phút, các em đánh nhau rồi khóc lóc là bị trách mắng.
Có lẽ đọc những lời tâm sự của cô giáo trẻ Kim Anh, nhiều người sẽ lý giải được vì sao mà điểm đầu vào tuyển sinh của trường sư phạm nhiều năm gần đây rớt giá thảm hại, thấp nhất trong hệ thống các ngành nghề, thậm chí có trường còn phải tuyển đến cả thí sinh có tổng điểm 3 môn là 9.
Chúng ta đòi hỏi gì ở ngành giáo dục khi đãi ngộ cho người thầy rẻ mạt như vậy. Đó là trường hợp của Kim Anh còn được vào biên chế, với những giáo viên hợp đồng, mức lương còn thảm hại hơn. Đừng nói chuyện nghề giáo là “nghề cao quý” nên các thầy cô đã chọn nghề này phải biết hy sinh, cống hiến. Thật khôi hài khi những nghề được đánh giá là “kém cao quý” hơn như ngân hàng, dầu khí, điện có mức thu nhập trung bình của nhân viên hàng vài chục triệu đồng.
Tôi không hiểu lá đơn xin nghỉ việc của cô giám Kim Anh có làm cho các vị cán bộ cao cấp của Bộ Giáo dục có chút nào trăn trở? Bởi việc họ không lo nổi cho nhân viên của ngành mình một mức lương đủ sống để lao động, cống hiến có phải là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo dục tụt hậu, nhiều vấn đề như hiện nay hay không? Nếu suy xét kỹ sẽ tìm thấy 2 hiện tượng này có sự liên quan “không hề nhẹ”.
Thật buồn cho ngành giáo dục, bởi nó đang không được xem trọng, nhưng bất cứ lỗi gì của các công dân, toàn xã hội lại nhanh chóng đổ hết cho ngành giáo dục, cho rằng từ giáo dục mà ra. Đó là một sự bất công ghê gớm. Nếu chúng ta tập trung hết những công dân ưu tú nhất cho ngành giáo dục, trả cho họ mức lương tương xứng, để họ ít phải lo nỗi lo cơm áo gạo tiền mà chuyên tâm vào dạy dỗ học trò, thì có lẽ bộ mặt ngành giáo dục sẽ khác?
Ấy thế nhưng không, các viên chức ngành giáo dục đang hưởng mức lương thấp dưới đáy xã hội, để gồng gánh cái nhiệm vụ “cao cả” là “nghề cao quý”, “kỹ sư tâm hồn”, hỏi rằng có phải là một điều cực kỳ phi lý hay không?
Lá đơn xin ra khỏi ngành của cô giáo trẻ, đúng vào thời điểm trước ngày khai giảng năm học mới này, là một nốt lặng đầy suy nghĩ với tất cả chúng ta. Hãy nhìn ngành giáo dục với một con mắt bao dung hơn, bớt đòi hỏi khắt khe, “bẻ hành bẻ tỏi”, hãy thông cảm với gánh nặng của các thầy cô, hãy tiếp sức cho ngành giáo dục, đừng để họ kiệt sức và chẳng còn tâm huyết với nghề.
Nếu không biết quan tâm vun vén cho sự nghiệp giáo dục, sẽ chỉ nhận về những trái đắng cho tương lai mà thôi.
-
Mi An
Mi An
0 comments:
Post a Comment