"Học và thi 6 môn dung hợp phương thức thi tốt nghiệp từ 2013 trở về trước. Thí sinh sẽ chọn 3/6 môn theo khối như thi đại học, tạo thuận lợi cho các trường ĐH xét tuyển", TS Lê Trường Tùng, hiệu trưởng ĐH FPT góp ý.
- Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo một kỳ thi quốc gia chung thay thế thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh đại học, ông đánh giá thế nào về các phương án mà Bộ đưa ra?
- Trong thời gian ngắn, Bộ đưa ra được dự thảo phương án đổi mới thi cử là cố gắng rất lớn để thực hiện Nghị quyết 29 về Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam. Cũng cần nói cho rõ là dự thảo mà Bộ công bố chỉ là một phương án - phương án tổ chức chỉ một kỳ thi quốc gia, khác biệt rất lớn so với việc tổ chức 2 kỳ thi quốc gia (là thi tốt nghiệp và thi đại học) như hiện nay.
Phương án này được đưa ra với 3 cách thức thực hiện, việc lựa chọn cách nào đều có ưu - nhược điểm riêng vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tâm lý xã hội thường dị ứng khi tiếp xúc với cái mới, mới ít thì triển khai an toàn hơn là mới nhiều.
Lâu nay Việt Nam vẫn tổ chức thi theo môn, việc kiểm tra trong các trường phổ thông cũng theo môn học. Bởi thế, nếu thi theo môn thì thay đổi ít hơn là thi theo bài, thuận lợi hơn cho thói quen học, thi, ra đề, tổ chức thi cử, chấm thi của cả thầy và trò.
Việc thi môn nào, thi như thế nào sẽ tác động ngược lại rất lớn vào cách thức dạy và học trong trường phổ thông hiện nay - đây cũng là vấn đề rất quan trọng chưa được thể hiện trong phương án thi mới.
- Là hiệu trưởng của một trường ĐH và có vai trò lớn ở một trường THPT, ông có góp ý nào cho dự thảo đổi mới thi của Bộ?
- Đổi mới thi cử là khâu đột phá, phải thực hiện ngay các thay đổi khác liên quan dạy và học. Theo tôi phương án tối ưu là học và thi 6/8 môn, cụ thể:
Thực hiện một kỳ thi quốc gia, mỗi thí sinh thi 6 môn trong 8 môn, trong đó 3 môn bắt buộc là Văn, Toán, Ngoại ngữ. Phương án 4 môn như dự kiến không đủ thông tin để xét tuyển đại học, hơn nữa từ 2013 trở về trước vẫn thi tốt nghiệp phổ thông 6 môn và không có vấn đề gì.
Việc dạy và học THPT cũng thay đổi theo. Các lớp 10-11-12 chỉ cần học 6 môn. Với các môn không học, kiến thức về các môn này ở THCS là đủ vào đời. Đây là thay đổi mang tính “ăn theo” hết sức quan trọng, hỗ trợ cho hướng nghiệp sớm và giảm tải. Học phổ thông theo các môn tự chọn cũng là thông lệ của nhiều nước tiên tiến, với Việt Nam thì phù hợp quan điểm học gì thi nấy và tâm lý không thi thì không học.
- Nhiều học sinh lo lắng thực hiện ngay kỳ thi quốc gia chung trong năm 2015 sẽ có ít thời gian chuẩn bị, ông suy nghĩ thế nào?
- Một năm chuẩn bị là quá đủ, kéo dài cũng không mang lại thêm giá trị gia tăng gì hơn. Thực tế, việc thay đổi thi tốt nghiệp phổ thông năm 2014 vừa qua (từ 6 môn bắt buộc thành 4 môn tự chọn) cho thấy, để thực hiện thay đổi thi cử không nhất thiết cần thời gian chuẩn bị dài. Mặt khác, ý tưởng về thi chung không phải mới xuất hiện trong nghị quyết Hội nghị TW 8, mà đã bàn 5 năm nay rồi.
Việc thi 6/8 môn thực tế dung hợp phương thức thi tốt nghiệp từ 2013 trở về trước, và trong 6 môn này sẽ gồm 3 môn theo khối như thi đại học, do đó cũng thuận lợi cho các trường đại học xét tuyển. Như vậy việc chuyển tiếp sẽ dễ dàng hơn cho cả thí sinh lẫn nhà trường.
- Kỳ thi chung phải đảm bảo những yếu tố gì để các đại học yên tâm sử dụng kết quả xét tuyển, thưa ông?
- Để thuận lợi hơn cho các trường đại học trong việc xét tuyển, cuộc thi quốc gia này cần tổ chức ở mức độ nghiêm túc cao nhất để kết quả có độ tin cậy cao, đồng thời đề thi có mức độ phân hóa cao để phân biệt được trình độ của thí sinh.
Điều tôi lo ngại là làm thế nào để thi nghiêm túc trong bối cảnh tiêu cực và bệnh thành tích giáo dục còn nặng nề. Trong đề án nên có nội dung liên quan việc thắt chặt kỷ cương thi cử, chẳng hạn truất quyền học sau phổ thông cho thí sinh vi phạm, loại ra khỏi ngành các giám thi vi phạm, quy kết trách nhiệm và xử lý kỷ luật lãnh đạo các địa phương để xảy ra tiêu cực. Thậm chí nếu cần thì hình sự hóa các hành vi vi phạm để có tác dụng ngăn ngừa.
0 comments:
Post a Comment