Về vừa đến cây cầu đình, tôi đã nghe một hồi trống. Chà, ai chết
mà đánh trống cúng đám ma vậy kìa? Lại một hồi trống Thùng! Thùng! Lại
có người đến viếng nữa rồi!
Âm vang của hồi trống tuy còn xa xa
nhưng tai tôi thì không thể lầm được. Chắc chắn là ở xóm trên có ai đó
vừa qua đời. Ở vùng quê, những hồi trống đám ma nghe rất rõ ràng, tách
bạch. Trống vang lên khi có người vừa chết, trống khi tẩm liệm, trống
khi có người đến cúng tế, trống đưa tang ra đồng…
Nghe trống đánh, xóm trên, xóm dưới đều
biết việc gì đã xảy ra. Nghe các bậc bô lão nói lại thì ngày xưa, ngoài
trống còn có mõ. Và nhà ai cũng có mõ để đánh lên những lúc có sự cố như
bị cướp, bị trộm, như cháy nhà, nhà có bệnh nặng cần cấp cứu … Tiếng mõ
mà vang lên ắt là có biến, làng xóm sẽ chạy lại ứng cứu hoặc giúp đỡ
theo đúng câu “tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn”.
Bây giờ thì tiếng mõ đã không còn vang
lên nữa, thôn xóm, xã ấp hay khu vực của từng vùng đã có đám tự vệ dân
phòng, chẳng biết có canh giữ được gì không nhưng tối nào cũng thấy ra
ngủ ngoài đình hoặc trong nhà họp của khu vực .
Thỉnh thoảng tôi mới về quê nhưng vẫn
cảm nhận được một số “đất lề, quê thói” vẫn còn đọng lại ở đây. Có lẽ
cái nếp văn hoá “làng” từ xa xưa của một nền văn minh lúa nước vẫn còn
in dấu trong những tập tục, sinh hoạt của miền quê. Ở quê tôi, không ai
dám đóng đinh trong đêm, không ai đi mua kim, chỉ hay vải vóc, đèn cầy
gì khi trời tắt nắng. Bởi những gì dính đến việc tang ma, quan quách đều
tối kỵ.
Tiếng đóng đinh sẽ gợi ra âm thanh của
tiếng đóng hòm, tiếng búa gõ vào xăng. Việc mua kim chỉ, vải vóc làm
liên tưởng đến việc may khăn tang, quần áo tang… Những điều ấy nghe thật
buồn cười, lại có vẻ mê tín dị đoan đối với người thành phố nhưng lại
là những tập tục đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của miền quê.
Có hôm nào đó, bạn đến một vùng quê xa
của vùng ĐBSCL, khi bóng đêm buông xuống, trong giấc ngủ êm ả mà hiếm
khi bạn có được ở thành phố bởi không còn tiếng ồn ào của xe cộ, tiếng
la hét, nói cười trong các quán hàng.
Trong đêm tĩnh mịch, chỉ còn tiếng côn
trùng rền rĩ, tiếng ếch nhái uềnh oang thật buồn như khêu dậy nỗi bâng
khuâng, man mác của một tuổi nhỏ nào xa lắm, tiếng nước chảy róc rách
vào mương khi con nước lớn tràn sông... Tất cả những âm thanh ấy, cứ dịu
dàng, khe khẽ như một tiếng nói thầm, một lời nhắc nhở về nguồn cội và
bạn sẽ hiểu vì sao “thói quê” vẫn lấp lánh vẻ đẹp, vẻ đặc biệt của nó.
0 comments:
Post a Comment