Bắc Hà rối loạn trước khởi nghĩa Tây Sơn
Từ khi Lê Lợi đánh tan quân xâm lược Trung Quốc (nhà
Minh) xây dựng cơ đồ nhà Lê vào giữa thế kỷ 16, nước ta đã có một thời kỳ hưng
thịnh mà “ra đường thấy của rơi không thèm nhặt”. Sau 300 năm trị vì thiên hạ,
chế độ phong kiến được gây dựng hơn ngàn năm suy vi cực độ. Những cuộc binh
biến liên tiếp xảy ra, sự phân tranh Lê – Mạc, Nguyễn – Trịnh và những cuộc
khởi nghĩa nông dân nổ ra liên tiếp làm đất nước suy tàn, muôn dân cực khổ.
![]() |
Đền thờ Sầm Nghi Đống |
Nước Nam
thời ấy như một thân cây khô đã bị mục ruỗng. Đàng ngoài thì chúa Trịnh át vua
Lê, Đàng trong thì chúa Nguyễn hùng cứ. Nước Nam có vua nhưng coi như không có,
phủ chúa chuyên quyền, một nước như có
hai vua. Kẻ sĩ Bắc Hà chỉ tuy muốn phù Lê nhưng cũng không dám. Phủ chúa chuyên
quyền, chúa Trịnh Sâm ham mê sắc dục, phế trưởng lập thứ gây mầm nội loạn phân
tranh, anh em mưu sát nhau. Quan lại thì suy đốn, phỉnh nịnh, luồn lọt người
trên, tàn bạo hà hiếp dân lành. Kiêu binh gây loạn uy hiếp phủ chúa, cướp bóc
ức hiếp dân chúng.
Sự mục ruỗng đến độ đạo vua – tôi, đạo dân – vua, đạo
Thầy - Trò cũng bị coi thường, bán rẻ. Cuốn Hoàng Lê nhất thống chí có ghi lại
chuyện khi vua Lê Chiêu Thống và Thái hậu bỏ chạy nghĩa quân Tây Sơn, qua sông
Như Nguyệt, thì viên quan trấn thủ tại đó là Nguyễn Cảnh Thước còn đòi tiền
bạc, lột cả áo của vua.
Sau khi quân
Tây Sơn diệt Trịnh, phù Lê vào Năm Mậu Tuất (1778), Nguyễn Hữu Chỉnh, một danh
tướng Bắc Hà, được Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ cho ở lại giúp vua Lê thì trở nên
hống hách lạm quyền. Vũ Văn Nhậm được lệnh của Bắc Bình Vương đem quân ra Bắc
dẹp Nguyễn Hữu Chỉnh, Chỉnh thua ở trận.
Sau khi giết Chỉnh, Nhậm lại trở nên kiêu căng, tự đúc ấn, chuyên quyền
trong mọi việc cắt đặt sắp xếp.
Nguyễn
Huệ phải thân chinh đem quân ra Thăng Long đánh Nhậm và cử Tướng Ngô Văn Sở
thay thế chỉ huy toàn quân và trấn thủ Thăng Long còn Nguyễn Huệ rút quân về
Nam.
Tháng
7 mùa thu năm Mậu Tuất (1778) Chiêu Thống và Hoàng Thái Hậu nhà Lê chạy sang
Long Châu cầu viện với nhà Thanh. Tổng Đốc lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị tâu lên
vua Càn Long nhà Thanh, trong sớ tâu có đoạn như sau :"Tự Hoàng nhà Lê
đang phải bôn ba, đối với đại nghĩa ta nên cứu viện vả lại An Nam vốn là đất cũ
của Trung Quốc, ta nhân giúp khôi phục nhà Lê rồi ở lại đóng giữ luôn, tức vừa
làm cho nhà Lê được tồn tại, vừa chiếm được An Nam, thật là nhất cử lưỡng
tiện." Càn
Long giao cho Tôn Sĩ Nghi toàn quyền lo toan mọi việc. Tôn Sĩ Nghị điều động
quân 4 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Qúy Châu cả thẩy hơn 29 vạn, chia
làm 3 đường tiến vào nước ta với danh hiệu giúp vua Lê khôi phục đất nước. Tháng
10, Sĩ Nghị cho quân tiến vào nước ta. Đạo 1: theo ngả Tuyên Quang; Đạo 2: theo
ngả Cao Bằng; Đạo 3 theo ải Nam Quan.
Bình định vương Nguyễn Huệ: Đánh cho sử tri
Khi quân Sĩ Nghị tiến đến Bắc Giang, Ngô Văn Sở sai Nội hầu Phan Văn Lân đem 1 vạn quân tinh nhuệ lên đóng ở Thi Cầu. Quân Thanh xua quân đánh úp quân của Lân khiến Lân thua to phải rút về Thăng Long. Sĩ Nghị xua quân đuổi theo đến đóng ở bờ Bắc sông Nhị.
Ngô
Văn Sở bàn với Ngô Thì Nhậm là Thăng Long trống trải khó giữ, bèn rút quân về
Thanh Hóa, đóng Thủy quân ở hải phận Biện Sơn, bộ quân thì đóng chẹn ở đèo Ba
Đội (núi Tam Điệp) rối cho phi mã báo vế với Bình Định Vương Nguyễn Huệ khi đó
đóng ở thành Phú Xuân.
Trong
lúc đó, Chiêu Thống đem trâu bò rượu thịt về khao thưởng quân Thanh rồi vào
Thăng Long. Nghị lấy sách văn và ấn chưởng của vua Thanh ban sẵn ra phong cho
vua Chiêu Thống làm An Nam Quốc Vương. Mọi việc trị quốc lúc bấy giờ tiếng là
của Chiêu Thống nhưng đều do Tôn Sĩ Nghị điều hành đến niên hiệu cũng lấy là
Càn Long.
Chiêu
Thống Lại ban lệnh phế Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích xuống hàng thứ dân, bắt
nhân dân khắp nơi phải đóng góp quân lương rất nặng nề để dâng cho quân Thanh
vì việc tiếp tế của quân Thanh từ qúa xa có nhiều trở ngại. Nhân dân khắp nơi
ai cũng oán than, thậm chí chính hoàng Thái Hậu khi từ bên Trung Quốc về đến
Thăng Long thấy Chiêu Thống tàn ác như thế cũng phải khóc và than rằng
:"Trải bao cay đắng, ta mới cầu xin được quân cứu viện sang đây, nước nhà
phỏng chịu được bao phen phá hoại bằng cách đền ơn báo oán thế này? Thôi diệt
vong đến nơi rồi !"
Tin báo
của Ngô Văn Sở về đến Phú Xuân, Bình Định Vương cười mà rằng :"Việc gì mà
cuống quýt lên vậy? Chúng nó chỉ tự đến để tìm chỗ chết mà thôi. Ta trước hết
hãy lên ngôi để danh nghĩa được quang minh chính đại, ràng buộc lấy lòng người
trong Nam
ngoài Bắc rồi sẽ ra bắt sống chúng nó cũng chưa muộn nào!"
Bình
Định Vương liền đó chọn ngày lành tháng tốt, làm lễ tế trời xưng là Quang Trung
Hoàng Đế. Ngay ngày hôm sau vua Quang Trung đem hết quân vượt sông ra Bắc với lời:
“Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”
Đến
Nghệ An và Thanh Hóa dừng lại nghỉ 10 ngày tuyển thêm quân sĩ và sai
người đưa thư đến Sĩ Nghị giả hàng.
Quân
sĩ của vua Quang Trung nhập với quân của Ngô văn Sở. Ngày 20 tháng chạp năm Mậu
Thân (1789) vua Quang Trung điểm duyệt quân sĩ, truyền dụ cho mọi người phải
gắng sức diệt giặc cứu nước.
Sau
khi điểm quân, vua Quang Trung truyền cho tướng sĩ ăn Tết Nguyên Đán trước, để
đến hôm trừ tịch (30 tết) thì xuất quân. Quân Tây Sơn chia làm 5 đạo tiến về Thăng
Long.
Đúng
đêm trừ tịch, 5 đạo quân Bắc tiến. Quân Tây Sơn hành quân cả ngày lẫn đêm không
nghỉ. Họ chia làm 3 người một nhóm, trong đó 2 người khiêng võng một người ngủ
cứ thế luân phiên nên không ai bị mỏi mệt. Quân đội được rèn luyện võ nghệ tinh
thông, sức khỏe dẻo dai lại thêm cách hành quân liên tục như vậy nên việc tiến
quân diễn ra cực kì nhanh chóng, thần tốc. Họ còn được rèn luyện cách bắt sống
địch, cách trói địch bằng tay không mà chỉ ở môn võ Bình Định mới có. Những
trạm tiền tiêu của quân địch khi quân Tây Sơn đi qua đều bị đánh tan, không để
sống sót một tên nào vì vậy quân giặc ở Hà Hồi, Ngọc Hồi không hề hay biết.
Nửa
đêm ngày mồng 3 Tết Kỷ Dău, quân ta vây làng Hà Hồi, thuộc huyện Thượng Phúc (nay
là xã Hà Hồi huyện Thường Tín) vua Quang Trung cho bắc loa gọi lính, lính dạ
ran, tiếng dạ của hàng vạn người vang lên như sấm khiến quân Tầu trong đồn
hoảng sợ vội xin hàng Quân ta thu được toàn bộ khí giới và quân lương.
Khi
tiến đến làng Ngọc Hồi, quân Tầu ở đây bắn súng hỏa công, vua Quang Trung sai
lính lấy ván ghép lại, cứ 3 mảnh ghép làm một, lại cho quấn rơm tẩm nước
ướt ở ngoài rồi sai quân kiêu dũng cứ 20 người khiêng một tấm ván, mỗi
người đều có giắt dao nhọn, theo sau lại có 20 người cầm khí giới. Vua Quang
Trung cưỡi voi đi sau đích thân đốc chiến. Quân ta tiến sát đồn giặc, bỏ ván
xuống lấp rào và chà cản rồi xông vào rút dao chém quân Thanh; quân đi sau cũng
sấn lên tiến công. Quân Thanh thua trận tán loan xéo lên nhau mà chạy. Quân ta
thừa thế đánh tràn lên chiếm các đồn, giết quân Thanh thây nằm chật đất, máu
chẩy thành sông. Các tướng Thanh đều tử trận. Quan Phủ Điền Châu là Sầm Nghi
Đống, viên chỉ huy đạo quân thứ 2 đóng ở Đống Đa thắt cổ tự tử.
Tôn
Sĩ Nghị nửa đêm nghe tin tinh thần hoảng hốt, không kịp thắng yên ngựa, cùng
vài tên tùy tùng vội vượt sông bỏ chạy lên phía Bắc. Quân lính nghe tin tự tan
rã cũng chạy theo, tranh nhau qua cầu, cầu bị quá tải sập gẫy, quân Thanh sa cả
xuống song, xác chết đuối nghẽn cả dòng sông.
Chiêu
Thống vội cùng Hoàng Thái Hậu và mấy người cận thần chạy theo Tôn Sĩ Nghị sang Trung
Quốc.
Đến
trưa mùng 5 tết, Quang Trung vào thành Thăng Long. Vua sai tướng đem quân đuổi
theo Tôn Sĩ Nghị đến tận cửa Nam
quan. Dân Trung Quốc nghe tin quân ta đuổi đánh sợ quá bỏ nhà cửa chạy
lên phía Bắc cả mấy trăm dặm.
Tết mùng 7 – Tết Quang
Trung
Sau
khi điểm lại quân sĩ, ra chiếu an dân, ngày mùng 7 tết, vua Quang Trung mở hội
khao quân. Vua cho quân và dân ăn tết lại, bù vào những ngày phải hành quân và
đánh giặc.
Tục
ăn tết lại (Tết Quang Trung) vẫn còn tồn tại đến giờ. Ngày nay, ở nhiều vùng
quê nơi quân Tây Sơn đi qua người dân ăn tết trong 4 ngày đầu năm. Ngày mùng 5
và mùng 6 việc sinh hoạt diễn ra bình thường như những ngày trong năm. Đến ngày
mùng 7 người dân lại ăn tết.
Ở
những nơi đó, trong bữa ăn ngày Tết mùng 7, ông bà, bố mẹ thường kể cho con
cháu sự tích tết mùng 7, như nhắc nhở con cháu về một chiến thắng lẫy lừng
trước quân xâm lược. Đây cũng là một cách dạy dỗ con cháu về lòng yêu nước, yêu
chuộng tự do, hòa bình, ý chí kiên cường chống quân xâm lược phương Bắc. Và
trong ngày này, câu nói của vua Quang Trung luôn được nhắc lại cho con cháu:
“Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam
quốc anh hùng chi hữu chủ”
(Đánh cho nó ngựa xe tan tác.
Đánh cho nó manh giáp không còn.
Đánh cho nó biết nước Nam anh hùng có
chủ)
-*-*-*
Tham khảo: Đại Việt sử ký toàn thư, Hoàng Lê nhất thống chí
Câu chuyện giáo dục: Những câu chuyện có thật về giáo dục đương đại. Bạn có câu chuyện về giáo dục, hãy gửi tới: gockhuatgiaoduc@gmail.com Nếu copy sang trang khác, vui lòng ghi rõ nguồn bài viết hoặc gắn link bài viết.
0 comments:
Post a Comment