
- Ngày Tết dương lịch, gia đình tôi đi dự liên hoan cùng bạn bè tại một nhà hàng. Phải công nhận các nhà hàng bây giờ rất biết cách níu chân khách bằng cách mở thêm khu vui chơi cho trẻ tại chỗ.
Ngồi vào bàn chưa ấm chỗ, con tôi vội vã chào mọi người cho xong rồi chạy ào ra khu vui chơi. Vì không yên tâm nên tôi cũng chạy theo con. Đúng chỗ dành cho con tôi rồi. Rất nhiều trẻ con đang hào hứng chơi đùa, chạy nhảy, reo hò. Nào là nhà bóng, nào là cầu trượt ngoằn ngoèo, nào là mấy con thú nhún ngộ nghĩnh... Sàn được lót bằng thảm rất êm.
Chắc thấy an toàn nên mọi người cứ yên tâm, thoải mái ngồi vào bàn tiệc, chỉ có vài bà mẹ và tôi đứng trông con mình. Các bé nhanh chóng làm quen và cùng chơi với nhau. Một số bé lớn rất thích chơi trò ném bóng lên lưới và khi bóng rơi xuống lỗ thủng giữa lưới thì khanh khách cười.
Bỗng một bé mặc áo xanh đậm lỡ tay ném bóng trúng mặt một bé mặc áo xanh nhạt lúc bé này đang ngẩng mặt lên lưới nhìn theo bóng. Bị bất ngờ và đau, cậu bé mặc áo xanh nhạt òa lên khóc và bỏ chạy đi mách bố.
Ông bố đứng phắt dậy, dắt tay cậu bé ra khu trò chơi. Vừa đi, ông bố vừa nói rất to: “Thằng nào, thằng nào?”. Khi thấy cậu bé chỉ đích danh cậu bé áo xanh đậm, ông bố chỉ thẳng tay vào mặt cậu bé đó với thái độ hùng hổ.
Tôi sợ ông bố làm gì đó với cậu bé nên hốt hoảng và cố ngăn cản: “Anh ơi, thật ra em này chỉ lỡ tay thôi ạ!”. Ông bố quay sang nghe tôi nói và như chợt tỉnh, anh ta dừng ngay hành vi của mình lại. Lúc này cậu bé mặc áo xanh đậm đứng như trời trồng, ôm quả bóng, mặt xanh mét nhìn “ông kẹ” không chớp, sợ hãi. Tôi vội nói: “Con xin lỗi bạn đi!”. Cậu bé lắp bắp: “Con xin lỗi, con xin lỗi!”.
Ông bố đã “hạ hỏa”, chẳng nói gì, dắt con mình đi đến chỗ mấy con thú nhún và yêu cầu cậu bé chỉ được chơi ở đây. Sau đó anh ta trở lại bàn tiệc của mình. Cậu bé chơi thú nhún chưa đầy một phút thì có vẻ chán và mắt luôn hướng về phía nhà bóng. Không kiềm chế được, cậu quay mặt nhìn về phía bố, lưỡng lự, rồi chạy ào đến nhà bóng chơi cùng bạn áo xanh đậm. Hai bạn gặp nhau rất vui vẻ như chưa hề có chuyện vừa xảy ra trước đó. Thấy thế, tôi bảo: “Hai con chơi cẩn thận nhé, đừng để bóng rơi trúng bạn!”. Cả hai đều đồng thành: “Dạ!” và hớn hở.
Liệu tôi không ngăn cản, không lên tiếng, ông bố đó có “xử” cậu bé áo xanh đậm không? Và nếu ông bố đó “xử” cậu bé thì ông bố của cậu bé ngồi gần đó sẽ hành xử thế nào? Chuyện trẻ con không khéo lại thành chuyện người lớn. Đáng sợ hơn, cách hành xử của người lớn theo kiểu “nghe lời con, lon ton mắng người” vô tình sẽ hình thành nên tính cách của trẻ sau này. Trong khi thật đơn giản, chỉ cần hỏi con nguyên nhân và tìm hướng giải quyết mang tính giáo dục. Con chúng ta nên người hay không là từ cách giáo dục, từ tấm gương của cha mẹ.
TRẦN THỊ BÍCH HƯỜNG
----------------------------------------------------------------
Câu chuyện giáo dục: Những câu chuyện có thật về giáo dục đương đại. Bạn có câu chuyện về giáo dục, hãy gửi tới: gockhuatgiaoduc@gmail.com
0 comments:
Post a Comment